(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu về tên gọi, thay đổi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. - Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu về tên gọi, thay đổi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết phải thể hiện được cơ chế chính sách để phát triển thành phố gồm: Quản lý quy hoạch; huy động vốn đầu tư phát triển; tài chính - ngân sách; hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển. Thứ hai là thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: "Yêu cầu trong Nghị quyết Bộ Chính trị là rộng hơn rất nhiều nhưng mà Dự thảo nghị quyết hiện nay chưa đầy đủ hết những chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tôi lấy ví dụ như bây giờ chính quyền cảng hiện nay chúng ta vẫn làm theo luật Hàng Hải? Bây giờ thống nhất để cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng là gì? Tôi nói ý đó là để chúng ta phải tính đến phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này”.
Các ý kiến cũng đồng tình với việc xác định một tỷ lệ điều tiết hợp lý cho thành phố Đà Nẵng.
Về đề xuất sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để chi cho các dự án đầu tư phát triển và đề nghị bổ sung nội dung cho phép sử dụng nguồn này để chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Đồng thời đề nghị cân nhắc kỹ việc có một Nghị quyết riêng về hình tổ chức chính quyền đô thị.