Việt Nam ban hành chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

(VOV5) - Theo đó, có 2 tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý chủ trương ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng. Theo đó, có 2 tiêu chí để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình là tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin; việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình).

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng dưới 1,5 triệu đồng; khu vực thành thị là dưới 2 triệu đồng. Cùng với thu nhập thấp, các hộ này đều thiếu từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Việt Nam ban hành chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Với chuẩn nghèo giai đoạn mới, Việt Nam sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người), trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% và 5,77% là hộ cận nghèo. Để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo thời gian tới, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Vấn đề gốc ở đây là phải tăng trưởng kinh tế, vì tăng trưởng kinh tế là chìa khoá để thoát nghèo. Hai là, các địa phương căn cứ vào tiêu chí phân loại hộ nghèo cần tách toàn bộ số người không thể thoát nghèo do tật nguyền, già cả, neo đơn, không nơi nương tựa sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Chính phủ sẽ sớm sửa đổi Nghị định 136/2013 để nâng dần mức trợ cấp xã hội. Thứ ba, các địa phương triển khai chương trình phân công vùng kinh tế giàu, người giàu giúp đỡ vùng nghèo, người nghèo.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác