Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc tại hội nghị các nước thành viên UNCLOS

(VOV5) - Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra từ ngày 9 - 13/6 tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông.

Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc tại hội nghị các nước thành viên UNCLOS  - ảnh 1
Đại sứ Lê Hoài Trung (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị (Ảnh TTXVN)

 Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị ngày 13/6, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, đánh giá cao sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với tình hình căng thẳng hiện nay tại Biển Đông.

Đại sứ Lê Hoài Trung kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 UNCLOS tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông, phản đối các hành vi đơn phương gây căng thẳng, đồng thời ủng hộ việc không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.


Trong phần thảo luận, Đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục chỉ ra tính bất hợp pháp của việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời bác bỏ những quan điểm sai trái và xuyên tạc của Trung Quốc trình bày tại hội nghị.


Tại hội nghị, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Philippines, Malaysia… bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông. Các đại biểu kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời đề nghị các bên tranh chấp nghiêm túc chấp hành Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác