(VOV5) - Các nữ nghị sỹ của AIPA cần đi đầu ủng hộ thực hiện các biện pháp này để không ai bị bỏ lại phía sau, hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ.
Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41), chiều 8/9, diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) theo hình thức trực tuyến. Hội nghị bàn về vai trò nữ nghị sỹ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ, đặc biệt, thể hiện trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.
Theo các đại biểu dự Hội nghị, việc làm và thu nhập đối với lao động nữ luôn là vấn đề mang tính thời sự và thu hút sự quan tâm của AIPA cũng như các nữ nghị sĩ AIPA bởi khu vực ASEAN có tới 600 triệu dân, trong đó hơn 300 triệu phụ nữ.
Thời gian qua, khu vực ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm bình đẳng giới. Nhiều văn kiện, tuyên bố đã được đưa ra, khu vực cũng đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập và rất nhiều việc phải làm. Đại dịch Covid-19 càng khiến cho tình trạng bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn, đòi hỏi phải gia tăng quyết tâm của các nữ nghị sĩ trong việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề này ở phạm vi từng quốc gia và trong khu vực.
Đại biểu các nước dự Hội nghị trực tuyến Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA). - Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện đoàn nữ nghị sỹ Malaysia khẳng định: "Chúng ta cần có vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề liên quan đến đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ. ,Các nữ nghị sỹ của AIPA cần đi đầu ủng hộ thực hiện các biện pháp này để không ai bị bỏ lại phía sau, hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ. Chúng tôi cam kết ủng hộ các biện pháp đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ."
Tại Hội nghị, các đại biểu thông qua dự thảo Nghị quyết chung về thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ. Nghị quyết đề cập đến trách nhiệm và kêu gọi nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN, trách nhiệm của các nghị viện thành viên thể hiện qua việc thực hiện các chức năng của cơ quan lập pháp, cơ quan đại diện cho người dân, quyết định các vấn đề quan trọng và phân bổ ngân sách quốc gia nhằm thúc đẩy vấn đề này và đạt được những kết quả tốt hơn trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động nữ trong lĩnh vực việc làm, thu nhập nói riêng.