(VOV5) - Tỉnh Điện biên ở phía Tây Bắc Việt Nam là nơi quần tụ của 21 dân tộc anh em Địa phương này đã phát huy hiệu quả vốn văn hoá các dân tộc để làm du lịch trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Bản Che Căn, thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, đang là một mô hình điểm về phát triển văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là bản duy nhất của tỉnh Điện biên được chọn tham gia Dự án mang tên: “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc”, cùng với 20 bản làng khác trong cả nước kể từ năm 2009. Tham gia vào Dự án này, Che Căn được hỗ trợ nguồn tài chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa với nguồn vốn đầu tư 9 tỷ đồng để tôn tạo 10 ngôi nhà truyền thống đặc trưng của dân tộc Thái, phục hồi một số lễ hội dân gian, bảo tồn nhạc cụ cổ truyền, phục hồi dưới hình thức trao truyền nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái. Về việc phục hồi nghề dệt ở bản Che Căn, ông Cà Văn Ói, trưởng bản Tre Căn, cho biết: “Phòng Văn hoá và Bảo tàng tỉnh Điện Biên đầu tư để bà con phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát. Từ năm 2010 đã bắt đầu thành lập các tổ dệt. Mỗi tổ có 5 đến 6 người với 1 nghệ nhân. Hằng năm có tổ chức các lớp học nghề dệt. Mình dệt, thêu khăn, váy áo rồi thì trưng bày trong nhà truyền thống. Khách du lịch đến thăm, nếu họ thích thì mình cũng bán”.
|
Phụ nữ Thái bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên thêu khăn piêu. Ảnh: baodienbienphu.info.vn |
Hiện mỗi thành viên của tổ dệt bản Che Căn đều đã có thể dệt thành thạo những kỹ thuật cơ bản và có khả năng hoàn thiện các sản phẩm thổ cẩm như: Khăn piêu, túi thổ cẩm, vỏ chăn, vỏ đệm... Điều đáng nói là nhiều phụ nữ bản Che Căn đã có thói quen duy trì việc làm này vào lúc nông nhàn, đồng thời có ý thức bảo tồn nghề truyền thống. Chị Lò Thị Chung, thành viên của tổ dệt bản Che Căn, cho biết: “Làm việc này để bảo tồn, nếu không làm thì không tiếp nối nghề dệt truyền thống của người dệt. Nếu mình không làm thì sau này con cháu mình không biết để làm. Chúng tôi đã làm được nhiều việc đấy. Thứ nhất là giới thiệu cho nhân dân, các con, các cháu trong bản. Thứ hai là khách du lịch đến thì cũng giới thiệu cho họ về nghề dệt truyền thống. Chúng tôi cũng quảng bá về nghề dệt thông qua các đoàn khách, các nhà báo đến bản. Bảo tồn nghề dệt nên bây giờ thu nhập của chúng tôi cũng tăng lên, khá rồi đấy. Trước đây thì mỗi tháng làm được 2 đến 3 trăm đồng. Bây giờ thì tăng thêm khoảng 1 trăm đồng nữa. Tiền đó để nuôi con học hành”.
Việc xây dựng bản văn hoá Che Căn là một cách làm hợp lý và điển hình để phát huy mô hình bản văn hoá du lịch trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Mường Phăng, cũng như ở Điện biên. Ông Lò Văn Biên, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Phăng, đánh giá: “Giờ đây, chúng tôi phát triển kinh tế du lịch dựa trên sản xuất hàng hoá, phát triển cây ăn quả, bảo tồn nghề dệt truyền thống, phát triển du lịch tìm hiểu truyền thống văn hoá dân tộc, một số sản phẩm du lịch quảng bá cho khánh quốc tế đến Mường Phăng. Điển hình là chúng tôi tổ chức các đêm giao lưu văn hoá, văn nghệ với du khách, vừa tuyên truyền quảng bá truyền thống lịch sử, vừa giới thiệu những nét văn hoá như văn hoá dệt thổ cẩm, văn hoá ẩm thực của địa phương”.
Theo Đề án tổ chức xây dựng bản văn hóa du lịch của Uỷ ban nhân dân, cùng với Che Căn, tỉnh Điện Biên còn xây dựng 8 bản văn hóa du lịch gồm: Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông, Bản Mển. Tại các bản này đều có các đội văn nghệ không chuyên, mục đích là bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc và biểu diễn phục vụ du khách, tăng thu nhập cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các bản này cũng được đầu tư để đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Để giữ chân du khách, người dân các bản tự thay đổi lối sống, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp và ngày càng có ý thức bảo tồn truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Ông Lò Văn Ún, trưởng bản Ten, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nói về việc xây dựng bản Ten thành bản văn hoá: “Mục tiêu xây dựng bản văn hoá cộng đồng thì bà con cũng thấu hiểu được và tập trung giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, tích cực tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ của địa phương. Chúng tôi tập trung tuyên truyền cho bà con tham gia góp đất làm đường giao thông thôn bản xanh, sạch, đẹp. Bà con cũng tích cực ủng hộ tham gia xây dựng nông thôn mới”.
Tỉnh Điện Biên đã phê duyệt đề án Xây dựng bản văn hóa dân tộc để phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2015. Theo đó, ngoài 8 bản văn hóa du lịch của người dân tộc Thái, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm 10 bản của người dân tộc Mông, Khơ Mú, Hà Nhì... Đây sẽ là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong tổng thể các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên./.