(VOV5) - Làng nghề làm trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) nổi tiếng ở miền Nam bởi chất lượng của sản phẩm.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Không dừng lại ở việc phục vụ thị trường trong nước, trống Bình An còn xuất khẩu đến nhiều nước, như: Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia...
Là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở tỉnh Long An, làng trống Bình An ra đời vào cuối thế kỷ IX. Trống Bình An nổi tiếng gần xa không chỉ bởi sự đa dạng về mẫu mã, bền, đẹp mà còn bởi sự vang vọng, trầm bổng khác hẳn nhiều làng nghề làm trống khác. Hiện, làng Bình An còn hàng chục hộ làm nghề nhưng nổi tiếng nhất là dòng họ Nguyễn. Tiêu biểu cho dòng họ Nguyễn là ông Nguyễn Văn Mến chủ cơ sở Năm Mến, cơ sở làm trống được thành lập đầu tiên ở làng nghề Bình An. Để làm được một chiếc trống, người thợ phải qua hơn 20 công đoạn bằng phương pháp thủ công.
Để làm được một chiếc trống hoàn thiện, các nghệ nhân phải thực hiện hơn 20 công đoạn với khoảng 200 thao tác thủ công tỉ mỉ chi tiết để cho ra chiếc trống hoàn mỹ, đặc trưng của làng trống Bình An. Ảnh: baolongan.vn
|
Ông Nguyễn Văn An, chủ cơ sở làm trống Tư An, con trai của ông Năm Mến, chia sẻ: "Công đoạn thứ nhất là cưa gỗ, xong mình mới uốn cho thân gỗ nó cong, uốn xong mình mới đem đi bào cho nó chuẩn, xong mình mới ghép thùng, ghép xong mình phải đánh bóng. Mình bào xong đóng mây, khi đóng mây xong mình đóng niềng dính chặt vào, mới bọc da.
Đối với trống lân thì tiếng khác với những trống kia. Những trống bát nhã, trống trầu cái tiếng trầm. Còn trống lân thì bổng, đòi hỏi những người thợ có tay nghề mới làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Trống lân phải làm cho giòn giã, thúc giục con Lân mới nhảy nổi."
Theo các nghệ nhân, gỗ làm trống Bình An là gỗ sao hoặc gỗ mít được phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Khó nhất trong các công đoạn làm trống là bịt da. Da dùng căng mặt trống là da trâu tươi của những con trâu có tuổi trên mười năm vừa lấy ra từ lò mổ, tuyệt đối không dùng da trâu đã qua xử lý. Khi bào da, người thợ phải rất tỉ mỉ, khéo léo.
Sau đó, những tấm da hoàn chỉnh sẽ được đem căng lên mặt trống. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, thì trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng Bình An. Một bí quyết của nghề làm trống đó là thùng trống được khép khít chặt bởi các thanh gỗ bào mịn không dùng keo dán.
Nghệ nhân Nguyễn Văn An cho biết: "Bây giờ những đoàn Lân Sư Rồng, rất khó tính, đòi hỏi những người thợ làng nghề phải có tay nghề cao hơn nữa, mới làm ra những sản phẩm đáp ứng thị trường bây giờ. Trống Lân nhà mình đều có mẫu mã bắt mắt, đáp ứng thị trường trong toàn quốc và thế giới. Những năm qua, bản thân cũng cố gắng làm những sản phẩm đem đến cho bà con trên mọi miền đất nước cũng được bà con tín nhiệm."
Anh Nguyễn Văn An (Tư An), thuộc thế hệ thứ 5 ở làng nghề truyền thống Bình An vẫn đang miệt mài giữ gìn và phát huy nghề truyền thống mà cha ông để lại. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN |
Làng trống Bình An nhộn nhịp nhất là dịp chuẩn bị cho Tết Trung Thu và năm mới. Xe ô tô chở trống đi tiêu thụ khắp nơi.
Bà Bùi Thị Phượng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Lãng, cho biết: "Tháng 12/2023, sản phẩm trống Lân Năm Mến đã công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Đây cũng là vinh dự của xã Bình Lãng, xã sẽ cố gắng đưa nhiều sản phẩm trống đến tay người tiêu dùng."
Được làm hoàn toàn thủ công cùng bí quyết làm nghề đã tạo nên những chiếc trống Bình An với âm thanh độc đáo được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển, biết bao thăng trầm, nghề làm trống ở làng Bình An đang được gìn giữ, tiếp nối, để tiếng trống Bình An vang xa