Bình Dương hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

(VOV5) - Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm.

Nghe âm thanh bài tại đây:

 

Nhiều nông dân ở Bình Dương đã và đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến thành công và đem lại giá trị kinh tế cao. Có được kết quả này nhờ thời gian qua, Viện phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một (trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm nông nghiệp và chuyển giao để nông dân thực hiện.

Bình Dương hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - ảnh 1Ông Vương Văn Minh kiểm tra nấm linh chi trước khi thu hoạch. Ảnh: Thiên Lý

Năm 2017, ông Vương Văn Minh (59 tuổi, ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một) biết đến Viện phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một. Nhờ được các nhà nghiên cứu của Viện tư vấn, ông thử trồng nấm linh chi đỏ, nấm rơm. Đến nay, ông đã có 2 trại trồng nấm, thu nhập mỗi năm khoảng 200-300 triệu đồng (8.000-12.000 USD). Ông Vương Văn Minh cho biết: “Lúc mới bắt đầu khởi nghiệp, Viện đã hỗ trợ tôi nhiều lắm, từ việc đặt phôi giống ở đâu cho uy tín, chất lượng, đến kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản sao cho đạt yêu cầu. Viện cũng tạo điều kiện cho tôi được đi tham quan các trại người ta đã làm và đã thành công để học hỏi thêm kinh nghiệm”.

Cũng được Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một chuyển giao công nghệ trồng, sản xuất mà Công ty Kỹ thuật và Công nghệ Vũ Môn ở Bình Dương đã thành công với sản phẩm trà thảo dược Vũ Môn. Trà được sản xuất bằng cách sử dụng hạt sen, tim sen làm giá thể (tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng), cung cấp chiết xuất trồng đông trùng hạ thảo. Sau đó, hoa sen được ướp thêm trà cổ thụ và sấy khô trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Tín, Giám đốc Công ty Kỹ thuật và Công nghệ Vũ Môn, cho biết đến nay, công ty có 2 loại trà là Nguyệt liên trà dùng cho ban đêm giúp ngủ ngon và Nhật liên trà dùng cho ban ngày, được khách hàng yêu thích lựa chọn, trong đó nhiều khách hàng tại thị trường Mỹ. Công ty đang hướng tới đưa thương hiệu trà này đến các quốc gia khác: “Sản phẩm được đưa ra thị trường nước ngoài thì đó là sự hãnh diện. Công ty có đội ngũ triển khai tại các vùng trồng và luôn luôn hướng dẫn cho người dân hiểu về việc có sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ). Khi tất cả đội ngũ giám sát, bà con nông dân cùng đồng lòng triển khai thì chắc chắn rằng sản phẩm sẽ đảm bảo chất lượng, từ khâu kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra để xuất khẩu”.

Bình Dương hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - ảnh 2Du khách nước ngoài tham quan khu trưng bày sản phẩm của Viện nghiên cứu trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: Thiên Lý

Đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay, Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mang lại lợi ích, giá trị kinh tế cao và đã hợp tác, chuyển giao cho nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất. Đơn cử như sản phẩm cao được chiết xuất từ nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi hợp tác với Công ty Cổ phần MHD Inocare; quy trình nuôi trồng các loại nấm dược liệu và nấm ăn hợp tác với Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Minh. Mới đây, viện nghiên cứu thành công công nghệ chế biến trà, hợp tác với Công ty trà Biển Hồ tại tỉnh Gia Lai.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện nghiên cứu trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết với đội ngũ hơn 60 nhà khoa học ở các lĩnh vực thực phẩm, dược, công nghệ sinh học, hóa học dược liệu, Viện đặt mục tiêu nghiên cứu ra nhiều sản phẩm để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân nâng cao giá trị nông sản, phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam:

“Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực nào thì chúng tôi tập trung các đội ngũ chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực đó và ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới, phù hợp với điều kiện, đặc tính sản phẩm đưa ra sản phẩm cho phù hợp. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi được sử dụng thực tế tại doanh nghiệp, tạo nên sức bật, độ canh tranh của doanh nghiệp trong nước đối với doanh nghiệp nước ngoài. Mục tiêu của Viện là mở rộng tiềm năng, không chỉ xuất khẩu thô, mà còn xuất khẩu ra sản phẩm công nghệ cao cho nông nghiệp”.

Hiện nay, Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một có 2 chức năng chính là đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Thời gian tới, Trường sẽ ưu tiên cho Viện tập trung cho việc nghiên cứu, giúp hộ gia đình, doanh nghiệp ứng dụng vào nuôi trồng, sản xuất. Ông Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết: “Trường sẽ cố gắng hỗ trợ kinh phí thông qua nguồn quỹ hoạt động sự nghiệp. Trường cũng đang nghiên cứu cho Viện thành lập doanh nghiệp. Song song đó, trường dự kiến thành lập Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ với chức năng kết nối, hỗ trợ về mặt thủ tục để Viện có thời gian tập trung nghiên cứu”.

 Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%. Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sang ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác