(VOV5) - Nhằm phát triển nông nghiệp đô thị, hướng tới nhu cầu của thị trường, cách đây hơn 10 năm, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
|
Chăm sóc giống cây trồng chất lượng cao tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Phạm Thị Thu) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị và là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Cùng với quá trình đô thi hóa, trung bình mỗi năm, diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm hơn 1000 ha, do chuyển đổi mục đích sang phát triển hạ tầng đô thị. Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, phải làm gì để nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp luôn là mối quan tâm của lãnh đạo thành phố, bởi thành phố vẫn còn tới 1,3 triệu nông dân sản xuất nông nghiệp.Từ thực tế này, thành phố đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước. Do đi tiên phong, thành phố phải mất hơn 6 năm xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực. Đến nay khu nông nghiệp công nghệ cao đã có hơn 220 cán bộ công nhân viên đang làm việc trong đó có nhiều chuyên gia có học vị thạc sỹ, tiến sỹ .
|
Khu nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM |
Ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Vấn đề cung ứng nguồn nhân lực cho khu nông nghiệp công nghệ cao không thể một sớm một chiều có được, mà phải qua quá trình đào tạo, thích nghi, làm quen với với việc sử dụng công nghệ thiết bị mới. Một vấn đề nữa là việc mua sắm, thành lập các phòng thí nghiệm phải làm sao phù hợp với hoạt động của khu nông nghiệp công nghệ cao và phù hợp với trình độ nguồn nhân lực. Đó là những cố gắng của chúng tôi nhằm đưa khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và tạo cơ sở để thu hút các nhà đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao”.
Đến nay, trên diện tích 88 nghìn ha, thành phố đã thu hút được 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hoạt động với tổng vốn đầu tư 340 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực: Công nghệ sinh học nông nghiệp; canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn và nấm dược liệu. Nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến đang được các doanh nghiệp sử dụng như: trồng cây trong nhà màng, nhà kính, tưới và bón phân tự động bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử ứng dụng; sử dụng chiếu xạ, hơi nóng xử lý trái cây sau thu hoạch. Việc đưa khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động đã góp phần giúp cho bà con nông dân định hình các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương, xác định được sản phẩm chủ lực từ đó xậy dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm. Cùng với quá trình đó, khu nông nghiệp công nghệ cao còn hỗ trợ nông dân trong việc thu mua lại sản phẩm từ vùng sản xuất, nhiều mô hình sản xuất theo hướng này tới nay đã đạt hiệu quả bước đầu tích cực.
Bà Châu Trang, Giám đốc công ty nấm Khang Sinh, một trong những công ty vệ tinh của khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ngành nấm ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, nhưng những năm qua sản lượng nấm trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nội địa. Với sự hỗ trợ của khu Nông nghiệp công nghệ cao, nghề trồng nấm ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang đứng trước cơ hội phát triển. "Người dân Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay người dân đã quen ăn nấm và nhu cầu thị trường ngày càng cao. Mỗi ngày ở thành phố Hồ Chí Minh có thể tiêu thụ 1,5 tấn, dân ở các tỉnh vùng Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Mỹ Tho trồng nấm tiệu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí xuất sang Cam pu chia. Công ty chúng tôi hỗ trợ bà con về giống, hướng dẫn kỹ thuật và là đầu mối thu mua. Hiệu quả trồng nấm có lợi hơn trồng lúa nhiều lần" - bà Trang nói.
Việc ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh tạo hiệu quả rõ nét. Trước năm 2010, Củ Chi là huyện nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm. Nhờ mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những nhà lưới, nhà màng, kỹ thuật tưới phun sương trong trồng trọt, hay máy vắt sữa bò, hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi... đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha của bà con nông dân tại huyện Củ Chi đã đạt 258 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước.
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính quyền trong việc phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và sự nỗ lực của bà con nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã và đang tạo sự chuyển biến trong phát triển nông nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ nhưng kết quả bước đầu này, thành phố đặt ra mục tiêu nâng giá trị sử dụng đất lên 300 triệu đồng/ha/năm, trong đó người lao động đạt từ 40 đến 50% lợi nhuận từ doanh thu, đạt sớm hơn kế hoạch mà thành phố đề ra vào năm 2020.