Cây sả được trồng ở vùng đất nhiễm phèn, mặn của cù lao Tân Phú Đông gần 20 năm qua và mỗi năm diện tích đều tăng lên. Hiện nay, toàn huyện Tân Phú Đông có hơn 2.300 ha cây sả, tập trung nhiều ở xã Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông. Đây là loại cây màu rất thích hợp với vùng đất cù lao ven biển, chất lượng và năng suất cao hơn các khu vực khác. 1 ha đất trồng sả cho lãi trên 100 triệu đồng/năm, cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa.
Sả là loại cây màu rất thích hợp với vùng đất cù lao ven biển. Ảnh: VOV |
Chị Đào Thị Diễm Thúy, nông dân xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, cho biết gia đình có cuộc sống ổn định nhờ trồng được 2 ha cây sả: "Cây sả giá 6.000 đồng/kg, tăng lên nhiều, khoảng 5.000 đồng/kg là có lãi rồi, trước đây chỉ có 1.800 đồng/kg. Trước đây, nhà tôi trồng chuối, trồng màu, trồng sả thì có giá, giá như bây giờ là lãi gấp đôi. Ở đây vùng mặn, trồng sả đạt năng suất, có ăn, vùng này nói chung cuộc sống ổn định."
Ưu điểm của cây sả là dễ trồng dù thời tiết khô hạn, chi phí đầu tư ít hơn các loại cây trồng khác và cho thu hoạch quanh năm. Cây sả rất công dụng trong cuộc sống, nhất là làm hương liệu, gia vị dùng trong bữa ăn, chiết suất tinh dầu, làm dược liệu…
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh, cho biết: "Hiện nay, cây sả này là cây chủ lực của huyện nói chung và xã Phú Thạnh nói riêng. Chúng tôi khẳng định phát triển cây sả là định hướng để phát triển bền vững. Do đó, định hướng tới làm sao hướng cho người trồng sả sản xuất theo các điều kiện tiêu chuẩn sạch như: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (Viet GAP), bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global Gap). Đối với chỗ hợp tác xã cây xã Phú Thạnh đã làm được như thế, đang hướng dẫn cho các xã viên cũng như liên kết với các đơn vị tiêu thụ thực hiện chương trình này. Tới đây chúng tôi sẽ liên hệ với Văn phòng Hội làm vườn Trung ương phía Nam sẽ có chương trình hỗ trợ về sử dụng phân hữu cơ và phương thức sản xuất hiệu quả."
Tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông có đến 1.800 ha cây sả và đã thành lập hợp tác xã sản xuất cây sả. Huyện coi cây sả là một trong những cây trồng chủ lực, trong đó tập trung sản xuất hữu cơ nông nghiệp sạch để xây dựng “thương hiệu” cho cây sả địa phương.
Cơ sở thu mua cây sả ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết: "Về cây sả tới đây diện tích sẽ mở rộng thêm. Đối với những diện tích mà năng suất thấp sẽ chuyển sang trồng cây sả. Năm 2022, diện tích cây sả có thể lên 4.000ha. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể, trong đó vai trò của hợp tác xã rất quan trọng để có liên kết sản xuất từ đầu vào của vật tư, đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi sẽ vận động các nơi chiết suất tinh dầu, có thể liên kết với một số doanh nghiệp họ lấy cây sả có thể làm nhang, vừa đốt vừa xua muỗi."
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là vùng đất khô mặn. Do đó, chủ trương phát triển diện tích cây sả là hướng đi đúng, thích nghi với điều kiện tự nhiên hạn mặn. Hội nông dân huyện tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật và liên kết tiêu thụ để nông dân trồng sả đạt hiệu quả kinh tế cao. Các hộ nông dân nơi đây đang mở rộng diện tích trồng cây sả, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân