(VOV5) - Từ cây “xoá đói giảm nghèo”, hiện thạch đen đã phát triển trở thành cây “làm giàu” của nhiều nông dân Thạch An.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Thạch đen là một thức quà yêu thích của nhiều người, được bày bán ở nhiều nơi, từ ngôi chợ vùng quê đến những siêu thị ở các thành phố lớn. Có nhiều loại thạch đen nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là Thạch Đen được làm ở vùng Thạch An, Cao Bằng. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp sự phát triển của cây Thạch đen. Chính vì vậy, thạch đen đang được coi là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo.
Cây thạch đen phơi khô thành phẩm được bà con thu về từ trên nương. |
Với gần 100 ha chuyên canh thạch đen, xã Đức Thông là địa phương có diện tích trồng loại cây này lớn nhất huyện của Thạch An. Bà Triệu Thị Hiên, người dân tộc Dao ở xã Đức Thông cho biết: Nhờ điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp nên từ năm 2016, gia đình đã trồng được hơn 1 ha với thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.
Bà Hiên cho biết: “Cây thạch đen ươm được mang ra nương trồng vào lúc thời tiết ẩm, khoảng đầu tháng 2. Giống cây này chỉ ưa trồng trên sườn đồi, độ ẩm cao, nhưng khi thu hoạch lại chỉ thu hoạch vào mùa nắng. Điều đặc biệt mỗi mảnh đất chỉ được trồng một vụ.”
Lá thạch đen được các thương lái thu mua đưa về các cơ sở sản xuất thạch tại nhiều địa phương hoặc xuất thô sang Trung Quốc. Riêng tại địa phương, hiện cũng có nhiều cơ sở chế biến thạch, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho hàng chục người. Chị Lê Thùy, chủ một cơ sở chế biến thạch đen ở thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An cho biết: Trước kia thỉnh thoảng chị mới nấu thạch thủ công để sử dụng trong gia đình hay tặng cho bạn bè, hàng xóm…
Khi nhận thấy nhu cầu thạch đen trên thị trường tăng lên, chị Thùy mới học hỏi thêm kinh nghiệm, mua thiết bị nấu thạch theo dây chuyền: “Trước kia bà con cũng vất vả, thu nhập còn thấp, bây giờ bà con cũng đỡ khổ hơn. Như tại cơ sở của gia đình tôi cũng tạo điều kiện giúp đỡ 10 lao động, lúc cao điểm mỗi ngày xuất đi hơn 1000 hộp thạch, khoảng gần 2 tấn thạch mỗi ngày, thị trường mở rộng khắp các tỉnh phía Bắc.”
Hiện có nhiều máy móc giúp việc sản xuất thạch chuyên nghiệp cho sản lượng cao mà chất lượng vẫn được đảm bảo. |
Tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cây Thạch đen được trồng tập trung trồng ở các xã: Đức Thông, Quang Trọng, Canh Tân, Minh Khai,... Năm nay, tổng diện tích cây Thạch đen của huyện Thạch An đạt hơn 360 ha, sản lượng ước đạt trên 2000 tấn, giá trị kinh tế đem lại cho người dân khoảng 80 - 100 tỷ đồng/năm. Từ cây “xoá đói giảm nghèo”, hiện thạch đen đã phát triển trở thành cây “làm giàu” của nhiều nông dân Thạch An.
Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cho biết: “Với đơn vị diện tích 1 ha thu được khoảng 6 tấn, giá trị kinh tế là 30 nghìn đồng/kg thì 1ha thu về trên 100 triệu đồng. Chính vì thế giá trị kinh tế từ cây Thạch đen cao hơn rất nhiều so với những cây trồng truyền thống như cây lúa, cây ngô,… Vì vậy, huyện Thạch An xác định đây là giống cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm rất tốt.”
Hiện nay, sản phẩm Thạch đen sản xuất tại Thạch An (Cao Bằng) đang được thị trường nhiều địa phương đón nhận. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất thạch tại địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế.
Thạch đen là một món ăn tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, giải độc, nhất là trong điều kiện thời tiết oi nóng. Nguồn: VOV |
Ông Hoàng Văn Thạch, Bí thư Huyện ủy Thạch An, cho biết: Để thạch đen thực sự trở thành sản phẩm "xóa đói giảm nghèo" bền vững, địa phương đang có những định hướng phát triển vùng nguyên liệu, tạo dựng thương hiệu bền vững cho sản phẩm trong tương lai: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thạch đen tại địa phương. Hiện nay việc sản xuất sản phẩm thạch vẫn còn hạn chế, sản xuất tại chỗ chưa được nhiều. Chủ yếu địa phương xuất đi Trung Quốc lá thạch đen thô, giá trị không được cao. Chúng tôi cũng đang trình Bộ Khoa học Công nghệ đăng kí nhãn hiệu cho cây Thạch đen của địa phương.”
Hiện đã có một số công trình nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến thạch đen phù hợp với điều kiện sản xuất của Cao Bằng như sản xuất thạch đen tươi từ dịch chiết cây thạch đen; Quy trình sản xuất bột thạch đen bán thành phẩm; Quy trình sản xuất thạch đen đóng hộp/vỉ từ dịch chiết thạch đen và bột thạch đen bán thành phẩm... Nếu thành công, những đề tài khoa học này sẽ là cơ sở để tỉnh Cao Bằng xem xét, xây dựng các cơ sở chế biến thạch đen quy mô lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm phát huy thế mạnh cây đặc sản, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh