(VOV5) - Hoàng Seo Chẩn đã được vinh danh trong danh sách gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc và nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020.
Từ bỏ thành phố với mức thu nhập hấp dẫn, Hoàng Seo Chẩn, một thanh niên người Mông sinh ra ở vùng cao Lào Cai, quyết định quay về “nơi chôn rau, cắt rốn” và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê mình. Không những thế, anh còn ấp ủ khát vọng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trên mảnh đất quê hương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vừa tiếp chuyện chúng tôi tại vườn ươm cây giống quế, Hoàng Seo Chẩn vừa gọi điện thoại đi các nơi nhận số lượng cây, địa chỉ cụ thể từng khách hàng, điều hành nhân công bốc xếp quế giống lên xe đưa đến tận nương đồi cho người mua. Anh liên tục nhắc mọi người xếp cây giống cẩn thận, theo đúng kỹ thuật để tránh bị vỡ bầu, dập cây, bảo đảm tỷ lệ sống cao nhất cho khách.
Anh Hoàng Seo Chẩn hướng dẫn xã viên Hợp tác xã cách đóng bầu cây giống.
Ảnh: VOV |
Chẩn cho biết anh đã rèn được tính kiên trì, chính xác và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, nhất là tính kỷ luật và cung cách quản lý, phân công lao động, điều hành sản xuất khi làm nghề hàn công nghiệp ở những nhà máy sản xuất ô-tô, máy bay lớn khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản trong 3 năm. Với vốn liếng là nghề cơ khí, ngoại ngữ đủ để dạy tiếng Nhật cho người lao động muốn xuất ngoại, khi mới về Việt Nam, Hoàng Seo Chẩn đã ở lại Hà Nội để làm việc.
Hoàng Seo Chẩn cho biết: "Nghĩ lúc đầu về Việt Nam, sống ở thủ đô Hà Nội hay chỗ nào cũng đều rất cần mình, nhưng đi cống hiến cho thành phố dưới kia, để lại quê hương nơi mình sinh ra nghèo nàn thì mọi người cũng không coi trọng bản thân mình. Cuối cùng, mình tự nhủ rằng bản thân sinh ra từ làng, không thể bỏ được quê hương mình. Mình có chất xám, có mọi thứ rồi, mình có thể hướng dẫn trực tiếp cho bà con địa phương làm ăn được, tạo công ăn việc làm mà không phải đi xa, đó là lý do mình quyết định về, không ở lại Hà Nội nữa."
HTX Bản Mế tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: VOV |
Quê Chẩn ở thôn Na Pá, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, chủ yếu là trồng ngô bám theo núi đá và chăn nuôi nhỏ nên đời sống của bà con các dân tộc Nùng, Mông, Thu Lao… còn nhiều khó khăn, vất vả. Chính vì vậy, khi mới về, Chẩn đã lặn lội tìm hiểu các mô hình phát triển nông nghiệp để áp dụng tại địa phương.
Cho đến một lần cùng bạn đi thăm vùng đất Tam Kỳ (Quảng Nam), Chẩn đã tìm ra hướng đi cho mình. "Đi vào huyện Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, tôi thấy họ trồng rất nhiều cây keo, bồ đề… Gần như đi đâu cũng toàn rừng hết, mà toàn là những địa bàn miền núi chẳng khác gì địa phương mình nhưng người dân lại rất khá giả. Lúc đấy trong đầu mình mới nảy ra câu hỏi, là tại sao họ làm được mà mình không làm được, đất mình đang toàn đồi trọc mà sao mình không đi trồng những loại cây giá trị như thế."
Nghĩ là làm, năm 2017, Hoàng Seo Chẩn dồn hết số tiền dành dụm được để đầu tư. "Năm ấy, chân ướt chân ráo về quê, mình thí điểm trồng rau trái vụ cũng khá tốt. Nhưng khi mình chưa thuê được đất của bà con, mình chỉ mượn vào lúc bà con thu lúa hết rồi, cánh đồng chỉ trồng một vụ, mình xin trồng thí điểm vào thời điểm bỏ hoang. Bắt đầu có thu nhập từ rau thì bà con thấy là cùng một mảnh ruộng hoang, cho người khác trồng ra thu nhập cao thì mới nghĩ ra là họ cũng phải tự trồng."
Đến nay, sau 6 năm thành lập Hợp tác xã, Hoàng Seo Chẩn luôn bận bịu với đủ các ý tưởng trong đầu. Thấy nơi nào khí hậu tương đồng có loài cây gì giá trị, Chẩn lên danh sách rồi xuống tận Học viện Nông nghiệp ở Hà Nội, mua giống chuẩn về trồng thí điểm: "Đi mua cây dưới kia lên, nhưng gần như trồng 1.000 cây thì chết chỉ còn 500 cây, có những cây trồng cả năm mà không lên một lá nào. Mình mới nghĩ có thể do chưa hợp, thế là mình mới lấy hạt về gieo cho nảy mầm, nó hợp khí hậu rồi nó khắc lớn. Mà mình phải làm được, bà con nhân dân nhìn thấy hiệu quả mới tin. Thực sự mình thực hành rất nhiều, lý thuyết rất là ít. Đó là phong cách làm việc của bản thân mình".
Năm nay, bước sang tuổi 38, Hoàng Seo Chẩn đang là Giám đốc Hợp tác xã Bản Mế, với 2 vườn ươm cung ứng ra thị trường hơn 20 vạn cây giống/năm, chủ yếu là các giống quế, trẩu, sưa đỏ, xoan ta, xoan đào… Hợp tác xã có sự tham gia của khoảng 30 xã viên, thu nhập ổn định từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Chị Lèng Thị Khơi, thôn Sín Chải, xã Bản Mế, xã viên Hợp tác xã, chia sẻ: "Hợp tác xã giao cho chúng tôi gieo hạt và tự trồng. Khi cây lớn lại tiếp tục để xã viên đóng bầu. Tùy mình làm được bao nhiêu thì hưởng lương theo sản phẩm. Bây giờ ở xã Bản Mế chỉ có Hợp tác xã của anh Hoàng Seo Chẩn là làm ra số lượng cây giống nhiều nhất."
Để có được kĩ thuật ươm cây giống, Hoàng Seo Chẩn không ngại đi khắp nơi học hỏi trực tiếp rồi về hướng dẫn bà con. Chẩn còn giúp đỡ nhiều thanh niên khác và các hộ gia đình trong xã Bản Mế giống cây trả chậm không tính lãi, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí, để mọi người hăng hái trồng rừng, chuyển đổi trông ngô sang trồng quế, nhằm tạo nguồn thu ổn định và cao hơn. Đồng thời, anh còn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Ca tổ chức các buổi tuyên truyền hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp dành cho các học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các trường học.
"Mình ước mơ Si Ma Cai thay đổi từng ngày. Mình sẽ cải tạo khu này phát triển, từ các giống cây và việc trồng che phủ đất để không bạc màu nữa, góp phần làm cho nước cũng sạch, khí hậu cũng mát, cây rừng thì được khai thác trong mức độ cho phép. Rừng là vàng, biển là bạc, mình không có biển thì mình có rừng, đó là tấc đất tấc vàng, giúp ích rất nhiều không chỉ cho cá nhân mà cho toàn xã hội nơi quê hương của mình."
Những nỗ lực, cống hiến của Hoàng Seo Chẩn đã được vinh danh trong danh sách gương thanh niên nông thôn tiêu biểu toàn quốc và nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020, giải thưởng tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp.