(VOV5)- Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015, 20% số xã của Việt Nam đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia mà Chính phủ đã ban hành.
Ảnh: baohatinh.vn
Ông Tăng Minh Lộc cho biết: "Mục tiêu của chương trình là muốn xây dựng nông thôn Việt Nam có kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phải tăng nhanh. Phải có hạ tầng tương đối phát triển để đảm bảo việc phát triển lâu dài, đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nông thôn phải phát triển theo quy hoạch. Môi trường của nông thôn phải xanh, sạch, đẹp, dân trí được nâng cao, các bản sắc văn hoá, tinh thần của người dân phải được bảo tồn, phát huy. Thêm nữa là chất lượng của hệ thống chính trị, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải được cải thiện. Đây chính là 5 đặc trưng cơ bản của nông thôn mới Việt Nam".
Ông Tăng Minh Lộc cũng cho biết 5 đặc trưng cơ bản của nông thôn mới Việt Nam này được thể hiện rất cụ thể bằng 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Để đạt được các tiêu chí này, Chính phủ cũng đã đề ra 11 nội dung lớn phải làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trước nhất là phải làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải là khởi đầu cho tất cả các việc làm sau này để nông thôn Việt Nam phát triển có trật tự, tiết kiệm các nguồn lực và đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững. Thứ hai là phải phát triển hệ thống hạ tầng, đặc biệt là những hạ tầng cơ bản như hệ thống điện lưới, đường giao thông, trường học, trạm xá, hệ thống cung cấp nước sạch, nhà ở của người dân…. Nghĩa là hệ thống hạ tầng được quy chuẩn và hướng đến việc xây dựng hạ tầng bền vững hơn, theo quy hoạch và quản lý, bảo dưỡng để người dân sử dụng lâu dài.
Cũng theo ông Tăng Minh Lộc, còn có một nội dung khác nữa là nông thôn mới phải phát triển các hình thức sản xuất để tăng thu nhập. Theo đó, cùng với phát triển sản xuất, nông thôn mới Việt Nam phải có những hình thức hiệu quả nhất để tập hợp được người dân và tổ chức hợp tác họ lại, liên kết với các doanh nghiệp để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp, hướng tới sản xuất hàng hoá theo nhu cầu thị trường. Theo các tiêu chí này nông thôn mới Việt Nam khác so với nông thôn cũ và cách xây dựng nông thôn mới lần này cũng khác so với trước.
Ông Tăng Minh Lộc nhấn mạnh: "Trong xây dựng nông thôn mới lần này, chúng ta lấy xã làm điểm thực hiện. Chúng ta lấy xã vì xã là một cấp hành chính, có đủ bộ máy để thực hiện được những nhiệm vụ nông thôn mới đề ra.Tất cả những gì liên quan đến hạ tầng đều được quy chuẩn, để đảm bảo là khi xây dựng nông thôn mới theo chuẩn ấy, theo quy hoạch ấy mới đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài. Và cái chuẩn này phải được các bộ, ngành liên quan quy định, ban hành và có văn bản hướng dẫn. Và điều thứ ba rất quan trọng là chúng ta xây dựng nông thôn mới lấy chủ thể là người dân nông thôn, lấy nội lực cộng đồng làm chính để xây dựng nông thôn. Tức là mọi hoạt động của chúng ta đều hướng tới người nông dân nông thôn nhưng chính họ cũng là người đứng ra trước để mà xây dựng kế hoạch, tự tổ chức thực hiện và được hưởng thụ kế hoạch đó."
Một điểm đáng chú ý là Nhà nước đứng bên cạnh và hỗ trợ người nông dân trong suốt quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Việt Nam lần này. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước tập trung hỗ trợ người dân nông thôn về ngân sách, hỗ trợ về phương pháp, ban hành các quy chuẩn để định hướng cho nông thôn phát triển. Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới lần này là chương trình tổng hợp, tập hợp tất cả những vấn đề, những nội dung cần thiết liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và được tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể cùng chung sức triển khai thực hiện cùng người nông dân. Những gì chồng chéo trong quá trình thực thi đều được gỡ bỏ nhằm tập trung nguồn lực thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Việt Nam./.