Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội

(VOV5) - “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về Quất Động với anh thì về/ Quất Động làng anh có nghề/ Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành”.  Câu ca xưa như lời mời, đưa du khách về với làng nghề thêu Quất Động, một làng quê cổ kính, êm đềm nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 25 km về phía Nam. 

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 1
Những nghệ nhân làng Quất Động bên khung thêu (Ảnh: Mai Lan)


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Xuôi theo quốc lộ 1A cũ chừng 25 km về phía Nam, người đi đường  gặp những tòa nhà kính, những cửa hiệu bóng loáng trưng bày các tác phẩm thêu nghệ thuật ở ven đường là dấu hiệu cho thấy đã tới làng nghề thêu Quất Động. Làng Quất Động nằm ngay ven đường quốc lộ, thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín là quê hương “đất tổ” của nghề thêu tay truyền thống Việt Nam. 

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 2
Ảnh: Mai Lan

Trải qua bao thế kỷ, Quất Động vẫn giữ được vẻ cổ kính của làng quê Bắc bộ. Dưới cây đa cổ thụ đầu làng là đền thờ thần làng, bên cạnh là đền thờ cụ Lê Công Hành, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Văn bia trong đền thờ còn ghi: tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Hành, là người làng Quất Động, sống ở cuối đời Trần, đầu đời Lê (khoảng thế kỷ 14). Cụ  Lê Công Hành từng đi sứ, học được nghề thêu rồi trở về nước truyền dạy nghề thêu cho dân làng. Từ thế kỷ 17, nghề thêu đã phát triển rộng ra khắp cả nước, do vậy ông tổ nghề thêu ở làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu chung của cả nước. 

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 3
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng cặm cụi bên khung thêu (Ảnh: Tô Tuấn)

Ông Phùng Văn Hưng, người cao tuổi ở làng Quất Động, kể: "Đền thờ ông tổ nghề thêu ở làng nghề chúng tôi  có cách đây hơn 200 năm. Trong đền hiện vẫn giữ nhiều hiện vật quý, trong đó các tấm bia với bát hương cổ. Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng 6 âm lịch, là ngày giỗ cụ Lê Công Hành thì dân làng, các đoàn ở các tỉnh địa phương làm nghề thêu và của thành phố Hà Nội đều về đây dâng hương tưởng nhớ ông tổ nghề thêu".

Trong ký ức của những người cao tuổi ở làng Quất Động, vào những năm nghề thêu phát triển cực thịnh, sản phẩm làng nghề vang danh khắp cả nước, thể hiện óc sáng tạo trình độ tay nghề đạt mức tinh xảo. Từ bao đời nay, người dân Quất Động vẫn sống gắn bó với nghề truyền thống. Lớp ông bà truyền dạy cho con cháu, cứ thế lưu giữ và phát triển nghề đến ngày nay. Bà Bùi Thị Hánh, thợ thêu cao niên trong làng, cho biết: "Tôi học nghề thêu này từ năm 8 tuổi. Các cháu trong làng lên 7-8 tuổi đã được học thêu rồi và cứ thế làng tôi giữ nghề của cụ tổ. Ngày xưa chúng tôi còn làm vụng, chỉ làm hai loại hàng thêu kim tuyến hay thêu nổi thôi, nhưng bây giờ các cháu làm hàng phẳng tốt hơn thời chúng tôi”. 

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 4
Những sản phẩm của làng thêu được các thiếu nữ ưa chuộng (Ảnh: Mai Lan)

Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Theo quy luật của cuộc sống, khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề. Ngày nay hầu như nhà nào cũng có 2-3 người làm nghề. 

Gian nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng chỉ rộng chừng 30 m2, nhưng trên tường treo đủ loại các loại tranh thêu. Ngồi bên khung thêu, bà Hồng chia sẻ: "Ngày xưa tôi chuyên làm khăn trải giường, chăn ga, gối đệm rồi thêu mũi giày…xuất khẩu đi Đông Âu. Sau không xuất khẩu được nữa, thì chuyển sang thêu tranh, giờ chuyển sang thêu áo dài và hàng thời trang. Càng về sau đòi hỏi tay nghề càng cao, như kỹ thuật thêu hai mặt, thêu một mành, thêu hai mành, thêu nước chỉ bóng, từng đường kim, mũi chỉ tạo nét hoa, gân phải mượt mà. Trong làng hiện giờ có nhiều thợ thêu, nhưng tay nghề mới quan trọng, có những bức thêu không phải ai cũng làm được".

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 5
Những sợi chỉ thêu óng ánh được người thợ thủ công làng thêu Quất Động tạo thành những tác phẩm đẹp sống động (Ảnh: Mai Lan)

Các tác phẩm nổi bật của làng thêu là các bức tranh thêu phong cảnh như: cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế…Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng, lụa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh như: đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời hay hình ảnh bóng nước, mái chùa, cây đa in trên mặt nước…Những bức tranh chân dung được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh. 

Chuyện kể ở làng thêu Quất Động, Thường Tín, Hà Nội - ảnh 6
Những sợi chỉ thêu óng ánh được người thợ thủ công làng thêu Quất Động tạo thành những tác phẩm đẹp sống động (Ảnh: Mai Lan)

Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức Chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá rất cao.

Hiện nay nhiều cơ sở trong nước đã đầu tư, nhập nhiều máy thêu hiện đại, nhưng sản phẩm máy móc làm ra, không thể đạt được độ tinh xảo, mềm mại như cách làm thủ công. Do đó nghề thêu tay truyền thống của làng nghề Quất Động ngày càng phát triển. 

Phản hồi

Nguyễn văn dung

Tôi đang có hàng Đan móc áo các bạn có biết đâu có nhiều người làm ko chỉ cho tôi với... Xem thêm

Nguyễn Văn Hùng

Tôi muốn mua hoặc đạt bức tranh thêu kt 1960x106 tranh phong cảnh đông quê?

Nguyễn thị Bích phượng

Em muốn mua tranh co được không A

nguyễn thị hưởng

mình rất thích thêu tay truyền thống như vậy bạn cho mình xin địa chị được kg bạn

Trần Thị Thu

Mình rất thích tranh thêu thủ công và muốn đồng hành cùng nó

Các tin/bài khác