(VOV5) - Không rõ từ bao giờ, làng Đầm nổi tiếng với nghề làm bánh chưng.
Làng Đầm còn gọi là thôn Bích Trì thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội chừng 70 km về phía Nam. Cũng như bao làng quê khác ở Việt Nam, người dân trong làng sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Nhà thờ làng Đầm, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân trong làng.. |
Trong lịch sử, làng Đầm được biết đến là vùng đất đa nghề, người dân lao động cần cù, chịu thương chịu khó. Lúc đầu, người dân làm bánh chưng phục vụ chủ yếu cho các hộ gia đình và dân làng. Dần dần nghề gói bánh chưng là nghề chính của người dân làng Đầm. Cùng với các làng Lỗ Khê, Tranh Khúc, Phú Thượng (đều ở Hà Nội), Bờ Đậu (tỉnh Thái Nguyên), giờ đây, làng Đầm là một trong 5 làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng miền Bắc.
Dân làng Đầm gói bánh chưng quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào những ngày rằm, mùng một và dịp Tết nguyên đán. Bánh chưng ở đây không gói bằng khuôn mà chỉ gói tay, mối lạt, cữ bánh đều tăm tắp, vuông chằn chặn.
Chị Nguyễn Thị Phượng, người dân trong làng, kể: “Bánh chưng ngon thì phải chọn gạo, đỗ, thịt ngon. Chọn gạo là loại gạo nếp cái hoa vàng thì bánh rền, dẻo, thơm. Đỗ chọn đỗ màu vàng tươi, thịt thì là thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ. Lá dong gói dùng loại bánh tẻ, không non cũng không già để khi bóc bánh ra màu xanh, đẹp. Luộc bánh khoảng 10 tiếng đồng hồ.”
Chị Nguyễn Thị Phượng với những chiếc bánh chưng mới ra lò. |
Bánh chưng làng Đầm ăn bánh thấy có độ ngậy, mềm dẻo, hương vị thơm ngon hiếm có nơi nào có được. Người làng dùng nước mưa luộc bánh, nồi luộc nhất thiết làm bằng tôn. Chính bí quyết đơn giản đó tạo nên vị thơm ngon, bánh giữ được lâu.
Ông Phạm Văn Luân, người làm nghề lâu năm trong làng, cho biết: “Nhà tôi làm cả bánh chưng và bánh giày. Kỹ thuật làm bánh chưng cơ bản như các địa phương khác. Nhưng để bánh chưng ngon phải biết cách làm đỗ. Thổi đỗ như thổi cơm và không được ghế. Khi nặn đỗ phải nặn lúc nóng, nặn chặt tay. Luộc bánh bằng nước mưa mới ngon, để được lâu. Gói bằng tay thì chặt bánh nên bánh ngon hơn gói bằng khuôn.”
Ngoài nghề gói bánh chưng, làm miến cũng là nghề chính của dân làng. Nghề sản xuất miến cho thu nhập khá cao nên các hộ sản xuất quanh năm, năng suất bình quân 2 tấn/ngày. Vài năm gần đây, miến làng Đầm còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan.
Chị Nguyễn Thị Phượng, người dân làng Đầm, cho biết: “Từ thời xưa các cụ có nghề truyền thống gói bánh chưng. Giờ trong làng có nhiều nghề lắm. Không cứ làm bánh chưng, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, chúng tôi còn làm đậu phụ, miến, bánh đa, bánh giầy…”
Nhà chị Phượng gói bánh chưng. |
Các sản phẩm miến, bánh đa, bánh giày, đậu phụ trong làng đã có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ khá nhiều ở tỉnh Hà Nam và một số tỉnh, thành phố lân cận.
Người dân chăm chỉ, năng động mưu sinh, thích ứng với thị trường, nên các nghề trong làng ngày càng phát triển. Nhờ có nhiều nghề, cuộc sống người dân nơi đây đổi thay nhanh chóng. Từ một vùng quê chiêm chũng, cuộc sống khó khăn, ngày nay, làng Đầm, xã Liêm Tuyền, đã trở thành địa phương kinh tế phát triển nhất ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.