Cơ cấu, tổ chức không gian sống của làng Việt

(VOV5)- Đối với làng Việt, biểu tượng của tính tự trị chính là luỹ tre làng và cổng làng bao quanh làng. Với cư dân làng Việt trước đây, cuộc sống sinh hoạt của họ đều diễn ra sau lũy tre làng . Cũng bởi vậy, làng là tổ chức xã hội khá khép kín, mà từ đó tạo nên tính cách truyền thống ngàn đời, đó là ý thức độc lập, tổ chức không gian cộng đồng chặt chẽ và ổn định.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Tổ chức cộng đồng dân cư của làng Việt cơ bản mang tính khép kín. Cơ cấu làng Việt hình thành với nhiều thôn, xóm, ngõ. Tổ chức làng có nhiều dạng. Làng theo huyết thống gia đình, dòng họ, làng theo nghề nghiệp, tự nguyện tập hợp thành các Hội, Phường nghề thủ công… Trải qua bao đời, lối sống, sự cố kết trong sinh hoạt và trong sản xuất đã dần hình thành ý thức tổ chức cộng đồng xã hội trong các làng. Kiến trúc sư Nguyễn Hoài Việt, quê ở làng Ước Lễ, ngoại thành Hà Nội, chia sẻ: “ Những làng quê Việt thường tổ chức không gian sống phù hợp với công việc. Đối với những làng thuần nông thì đa số tổ chức không gian sống từ đường làng, ngõ xóm… tất cả đều thông ra ngoài đồng để thuận tiện cho sản xuất, tất cả mọi thứ từ việc đưa lúa về để ở đâu, chăn nuôi con trâu, con bò thế nào để ra đồng sao cho gần nhất…Từ những chức năng đó người ta tổ chức không gian sống sao cho phù hợp nhất.”

Cơ cấu, tổ chức không gian sống của làng Việt  - ảnh 1
Chương trình "Làng Việt" được tổ chức tại thôn Bùng, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. - Ảnh Hồng Vân/Đài phát thanh Thạch Thất



Với những đặc điểm trên, tổ chức lối sống của làng Việt luôn tôn theo nguyên tắc: trọng tình, sống cố định, ngại di chuyển, lấy gia tộc, họ hàng, láng giềng hàng xóm làm mối quan hệ giao tiếp và tư duy lối sống mang tính chất kinh nghiệm là phổ biến. Người Việt trong một làng, ở những thôn, xóm dù không có mối quan hệ thân tộc vẫn luôn liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành tình làng nghĩa xóm, thể hiện trong câu nói dân gian: “láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Người Việt rất sợ cảnh bị “đuổi ra khỏi làng”, sợ cảnh phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng ra đi. Làng chính là nơi cư trú, là nơi mà mọi người gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống, quan hệ cộng đồng và quan hệ sản xuất.


Một nguyên tắc quan trọng hình thành nên làng mang tính cộng đồng đó là các biểu tượng truyền thống của làng như: cây đa, bến nước, sân đình. Hầu hết, mọi làng của người Việt đều hội tụ cả ba biểu tượng này. Dù đi xa mãi đâu mỗi khi về làng, hình ảnh mà người ta mong chờ được nhìn thấy đầu tiên chính là cổng làng và cây đa đầu làng. Cổng làng là nơi hội tụ giao tiếp của làng với thế giới bên ngoài. Cổng làng là biểu tượng, thể hiện nét đẹp, nếp sống, niềm tự hào của làng. Ông Tô Xuân Thắng, quê ở Khánh Vân, một ngôi làng cổ ở tỉnh Hà Tây cũ (ngoại thành Hà Nội) hiểu rõ lịch sử, không gian sống làng mình: “ Làng tôi có tên là Khánh Vân. Khánh Vân có nghĩa là mây đẹp. Sự tích làng là một lần vua Lê một lần hành quân qua đây, thấy có đám mây rất đẹp che cho cả đội quân, nên đã đặt tên cho làng này là Khánh Vân. Khánh Vân là làng ven sông Tô Lịch có vẻ đẹp thanh bình, không gian làng đủ rộng, bao đời người dân trong làng sống gắn bó với thiên nhiên với nếp sống thảnh thơi…”


Bên cạnh cây đa, cổng làng, bến nước có thể là một đoạn của con sông chảy qua làng hay một hồ lớn của làng là chỗ giao lưu, tâm sự chuyện trò của chị em phụ nữ trong khi tắm cho con, vo gạo, rửa rau…Nếu bến nước là nơi sinh hoạt của phụ nữ thì sân đình là nơi của nam giới trong làng. Đình làng không gian trung tâm của làng quê Việt. Tất cả các việc quan trọng của làng đều diễn ra ở đây như hội họp việc làng, xét xử kiện tụng, đón khách, hội hè ăn uống, văn hoá văn nghệ giải trí. Đình làng cũng là nơi hội họp của các bậc cao niên, những người uy tín trong làng đưa ra những quyết định quan trọng của làng nhằm duy trì thuần phong mỹ tục, tôn ti trật tự, nếp sống của cả làng.


Trong xã hội hiện đại, cấu trúc, cơ cấu tổ chức làng Việt ít nhiều đã thay đổi. Tuy nhiên, những đặc trưng tốt đẹp tích tụ từ hàng nghìn năm trong văn hoá làng Việt vẫn tồn tại và được kế thừa và phát huy. Trong tâm khảm mỗi người con đất Việt đều hướng về ngôi làng thân thương của mình, cộng đồng thân thuộc của mình. Dù đi đâu về đâu đều mang trong mình tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau cũng như ý thức tự lực tự cường. Đó cũng chính là ngọn nguồn truyền thống tốt đẹp của làng quê, của dân tộc Việt Nam.

Phản hồi

Các tin/bài khác