Cuộc sống đổi thay ở xã miền núi tỉnh Phú Yên

(VOV5)- Xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đang từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững theo mô hình, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Năm 2013, xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như các công trình nước sinh hoạt, đường giao thông nông thôn và đặc biệt tập trung đầu tư sản xuất, lựa chọn giống và vật nuôi cây trồng có năng suất cao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Cuộc sống đổi thay ở xã miền núi tỉnh Phú Yên - ảnh 1


Xã Xuân Lãnh những ngày này giống như một công trường náo nhiệt. Từ người già cho tới thanh niên, ai cũng hăm hở bắt tay vào làm hơn 20 km đường giao thông nông thôn. Ông Hồ Thanh Hải, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Xuân Lãnh, cho biết đến thời điểm này cơ sở hạ tầng của xã gần như hoàn thiện từ hệ thống điện, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi... Và tại thời điểm này nhân dân  dân trong xã đang hối hả hoàn thiện nốt những tuyến đường giao thông nông thôn. Ông Hải cho biết: Bước đầu xây dựng nông thôn mới trong năm 2013 đã cùng với thanh niên thi công đoạn đường bê tông nông thôn. Thứ hai là củng cố lại cơ sở hạ tầng như trường học, hiện nay có nhiều đoạn đường bê tông đã đưa vào sử dụng.


Để xây dựng hơn 20km đường giao thông nông thôn, chính quyền xã cùng với người dân cũng phải họp bàn thống nhất nhiều lần. Những buổi tuyên truyền của cán bộ xã, cán bộ thôn tới người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới để họ hiểu được lợi ích của những con đường mang lại. Ông Mang Nựu, trưởng thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh cho biết:  Người dân quá mừng vì được nhà nước hỗ trợ như xi măng...còn  nhân dân đóng góp thêm công sức, tiền của để làm đường. Khi giải phóng mặt bằng, dân hai bên đường ủng hộ. Người dân cũng họp nhiều lần và thấm nhuần lợi ích vì có đường thì sẽ tiện cho người dân. Hai bên đường ở khu nhà tôi cũng có trên 20 hộ hiến đất để mở rộng đường.


Cùng với nhân dân trong xã, đoàn viên thanh niên cũng là lực lượng tham gia hăng hái vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Chị Phạm Thị Thúy Nga, bí thư xã đoàn, cho biết: Khi phát động phong trào tình nguyện, mỗi đoàn viên đóng góp hai ngày công để phối hợp cùng với đoàn sinh viên tình nguyện làm đường giao thông nông thôn mới. Tuổi trẻ của Xuân Lãnh tham gia rất nhiệt tình.Trước hết, đoàn thanh niên xã đi mở mặt bằng đường để chuẩn bị cho công trình nông thôn mới. Thứ hai là lên kế hoạch để khởi công đoạn đường điểm giao thông nông thôn.


Một mặt đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mặt khác chính quyền và người dân Xuân Lãnh tập trung phát triển kinh tế. Với đặc thù là một xã miền núi của Phú Yên, đất đồi là chủ yếu nên cây trồng đặc thù là sắn và mía. 2 loại cây trồng này đã được người dân xã Xuân Lãnh trồng cách đây 6 năm nhưng năng suất trước đó thấp. 2 năm nay trạm khuyến nông khuyến ngư của xã tổ chức nhiều lớp tập huấn nên bà con cũng thay đổi nhận thức trong trồng trọt, chăn nuôi. Ông Hải cho biết: Trước cũng là trồng cây sắn, cây mía nhưng không theo quy trình trồng như ngày nay. Cũng trên một diện tích trồng đó, lượng giống nhiều  nhưng năng suất thấp nên bà con làm vẫn thua lỗ nhưng nay biết áp dụng thì tỷ lệ lượng giống ít nhưng sản lượng lại cao.

Cuộc sống đổi thay ở xã miền núi tỉnh Phú Yên - ảnh 2
Mía, sắn là cây trồng chủ lực ở Xuân Lãnh



Xây dựng và khôi phục các thiết chế văn hóa là một trong những thành công của xã Xuân Lãnh trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Những nhạc cụ, điệu múa, bài hát dân gian của dân tộc Chăm, Bana cư trú trên địa bàn xã đều được phục dựng. Ông Hải cho hay: Còn các mặt khác như củng cố văn hóa hiện nay cán bộ văn hóa xã cũng đang đi thu giữ nhạc cụ của bà con. Thôn Hà Rai cũng đi mua sắm lại nhạc cụ cồng chiêng đã bị vỡ, hư hỏng. Bên thôn Xí Thoại thì cũng phục dựng làm lại đàn Goong..Và giờ các loại nhạc cụ của người Chăm, Bana  đều được đưa vào sử dụng và truyền dạy trong xã.


Ở Xuân Lãnh, cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống, nhiều hộ đang xây dựng nhà mới, mái ngói khang trang, kinh phí xây dựng từ  50 đến hơn 100 triệu đồng. Nông thôn mới làm thay đổi trong tư duy của mỗi bà con các dân tộc nơi đây. Họ làm chủ cuộc sống hiện đại, tham gia vào quá trình phát triển của toàn xã hội với nếp sống mới, sức sản xuất nông nghiệp mới và với nền văn hóa đậm đà bản sắc./.

Phản hồi

Các tin/bài khác