(VOV5) - Bản Mường Nhé 2 chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đa phần là dân di cư từ nơi khác đến.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được thành lập trên cơ sở “Ðề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé” được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1 năm 2012 (gọi tắt là Đề án 79). Đến nay, cuộc sống mới của bà con trong bản đã ổn định, chuyển biến tích cực.
Đường vào bản Mường Nhé 2. - Ảnh: Ngọc Anh |
Bản Mường Nhé 2 có khoảng 20 hộ dân với 130 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đa phần là dân di cư từ nơi khác đến. Các hộ dân từ các xã khác trong huyện Mường Nhé và những hộ đang di cư tự do được chính quyền và các đơn vị chủ đầu tư bố trí chỗ ở, đất sản xuất nông nghiệp để an cư lạc nghiệp.
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, cho biết: “Đề án 79 đã thực hiện được gần 10 năm, hiệu quả mang lại chính là ổn định đời sống nhân dân, ổn định chính trị và xã hội. Chúng tôi chia việc ra mỗi sở, ngành phụ trách 1 điểm đề án 79 và phải chịu trách nhiệm làm từ đầu đến cuối đề án đó, từ khâu sắp xếp chia đất, ổn định sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng… Huyện Mường Nhé thực hiện quyết liệt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Xã hội hóa kêu gọi các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng cổ phần triển khai xây dựng nhà, định mức hỗ trợ 1 nhà ở là 50 triệu đồng.”
Cán bộ công an đến thăm nhà chị Lò Thị Quyết. - Ảnh: Ngọc Anh |
Cùng với các chính sách hỗ trợ của Đề án 79, khi đến nơi ở mới, bà con bản Mường Nhé 2 tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cây, con giống, tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng cho bà con. An sinh xã hội bảo đảm, 100% con em bà con được đi học, bản làng có nước sạch, điện lưới... Nhờ vậy, bà con đã yên tâm định cư, xây dựng cuộc sống mới.
Chị Lò Thị Quyết, người dân tộc Thái, bản Mường Nhé 2, kể:“Tôi là người dân sở tại ở đây. Trước kia đời sống tôi khó khăn, được Nhà nước quan tâm làm cho 1 cái nhà. Gia đình phấn khởi được xét duyệt làm nhà mới, yên tâm, lao động sản xuất. Nhà hoàn thành tháng 4/2020. Trước đây nhà cũ gia đình sống tạm qua ngày, tôn bị han gỉ, vách bằng tre mưa gió dột nát, sợ đổ. Nhà mới giờ sạch sẽ hơn, yên tâm không bị đổ.”
Trước đây sống du canh du cư, đất ở bất hợp pháp, thiếu đất sản xuất, cuộc sống người dân luôn đối mặt vô vàn khó khăn, lương thực chủ yếu dựa vào việc phá rừng làm nương, đất nhanh bạc màu, lúa nương không có năng xuất cao. Nay đến nơi ở mới, cuộc sống của bà con trong bản Mường Nhé 2 đã sang một trang mới. Những ngôi nhà mới được xây khang trang, những ruộng lúa, nương rẫy, vườn rau, cây ăn quả đã mọc lên, đây đó có tiếng trẻ ê a học bài, tiếng loa đài, ti vi vui nhộn. Từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình ông Sùng A Chai, người dân tộc Mông di cư từ huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đến mảnh đất này, đã trở thành một trong những hộ điển hình trong bản Mường Nhé 2.
Những ngôi nhà mới ở bản Mường Nhé 2. - Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Sùng A Chai tâm sự: “Nghe tin trên này mở dự án trồng cây cao su, tôi từ Sơn La lên đây khảo sát. Trồng cây cao su khá hơn làm nương, giá trị kinh tế hơn, nên lên đây làm. Lên trên này ở mới đầu sống tạm bợ lán bạt ở trên rừng cao su, từ năm 2013 được sự quan tâm của Nhà nước triển khai đề án 79, thành lập bản mới mang tên bản Mường Nhé 2, được nhà nước hỗ trợ nhà bán kiên cố. Hiện tại nhà tôi có 9 người, 3 người làm công nhân cao su, con dâu làm giáo viên, 1 con học đại học Kiểm sát ở Hà Nội, 1 học đại học Tây Bắc ở tỉnh Sơn La. 1 tháng gia đình thu nhập hơn 10 triệu đồng.”
Dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng có thể thấy cuộc sống của bà con bản Mường Nhé 2 đang thay đổi từng ngày. Diện mạo nông thôn nơi đây ngày một khởi sắc, hứa hẹn mang đến cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc nơi biên cương của Tổ quốc.