(VOV5) -Tại khu định cư mới Bằng La, cùng với nhà ở, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, quan tâm tới sinh kế bền vững cho dân.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Sau hai vụ sạt lở núi kinh hoàng xảy ra cách đây 3 năm tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, gây thiệt hại nặng nề về người và của, người dân vùng bị sạt lở được chuyển đến khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, cách chỗ ở cũ khoảng 3 km. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền, các nhà hảo tâm và nỗ lực vươn lên của người dân, giờ đây, cuộc sống của bà con nơi này đã ổn định và từng ngày đổi thay.
Tại xã Trà Leng, hai cơn bão năm 2020 gây ra vụ sạt lở núi, lũ lụt ở một số vùng trong xã, trong đó có làng ông Đề (ngày 28/10/2020) và làng Tak Pat (ngày 4/11/2020), làm 32 người chết và mất tích, 79 căn nhà sập đổ. Thiệt hại nặng nề nhất là làng ông Đề 22 người chết và mất tích. Sau thảm họa thiên tai, toàn bộ dân cư ở hai ngôi làng này đã được chuyển đến nơi ở mới.
Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh |
Chỉ sau 6 tháng thi công, ngày 29/4/2021 khu dân cư mới Bằng La, xã Trà Leng, với 39 ngôi nhà, được bàn giao cho bà con tái định cư. Người dân sống ở đây chủ yếu là dân tộc Bh’noong. Mỗi hộ gia đình được cấp 200 m2 đất, phần diện tích xây nhà khoảng 50 m2, còn lại dành để nuôi gà, lợn, trồng rau, trồng bí, bầu, xây dựng công trình phụ… Bằng La theo tiếng Bh’noong có nghĩa là vùng đất bằng phẳng có nhiều cây tre mọc.
Chị Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng, cho biết: “Xã đã khảo sát nhiều địa điểm để tìm vị trí xây khu dân cư. 3 chỗ được khảo sát, nhưng cuối cùng chọn vị trí Bằng La, vì ở đây có vị trí địa thế bằng phẳng, đồi phía trên cũng thấp, an toàn. Trước khi quyết định vị trí, chúng tôi họp với bà con, bà con thống nhất đồng ý ở đây thì mới khởi công xây dựng. Nhà xây 150 triệu/căn nhà, riêng 13 hộ có người thân mất ở làng ông Đề thì hỗ trợ thêm 30 triệu đồng/căn nhà tức là 180 triệu đồng/căn nhà (gần 7.400 USD/căn nhà). Còn làng Tak Pat các hộ chỉ bị sập nhà thôi chứ không thiệt hại về người. Đời sống bà con giờ đây ổn định, tốt hơn trước.”
Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư Bằng La. Ảnh: Ngọc Anh |
Tại khu định cư mới Bằng La, cùng với nhà ở, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, quan tâm tới sinh kế bền vững cho dân, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. Ngay giữa Bằng La là nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, được Quân khu 5 xây tặng, để bà con có nơi sinh hoạt chung. Cùng với đó là trường mẫu giáo Trà Leng được dựng lên để đem cái chữ về cho trẻ em.
Nụ cười hạnh phúc của trẻ em ở khu dân cư Bằng La. Ảnh: Ngọc Anh |
Anh Phan Quốc Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Leng, cho biết: “Khu dân cư Bằng La được đầu tư xây dựng khoảng 30 tỷ đồng (hơn 1,2 triệu USD). Nhà nước đang xây dựng bờ kè 60 tỷ đồng xung quanh khu dân cư để tránh sạt lở, đảm bảo an toàn. Như vậy, tổng tiền đầu tư xây dựng khu dân cư Bằng La khoảng 90 tỷ đồng (hơn 3,6 triệu USD). Nhà nước, các mạnh thường quân hỗ trợ bà con cơ sở vật chất thiết yếu, nhà cửa, điện, đường, trường, trạm… Hiện tại, xã đầu tư thêm bờ kè và khu công viên của Bằng La để bà con vui chơi, sinh hoạt. Trong sản xuất, xã hỗ trợ bà con giống cây trồng là cây quế, cau, các cây ăn quả và cây bản địa. Còn vật nuôi hỗ trợ trâu, bò, gia cầm… Về y tế, giáo dục, bà con cũng được quan tâm. Hiện, khu dân cư Bằng La có 7 em học đại học và cao đẳng, trong đó có 1 em sau khi ra trường đã được tiếp nhận làm việc ở Ủy ban nhân dân xã. Bằng La có 1 trường mẫu giáo đang làm hồ sơ để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Qua hai mùa mưa, đã không có hiện tượng sạt lở đất ở khu vực này.”
Nhà mẫu giáo ở khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng. Ảnh: Ngọc Anh |
Từ ngày về Bằng La đến nay, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã cơ bản ổn định cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ giao thông kết nối thuận tiện nên nhu yếu phẩm hằng ngày từ miền xuôi được cung ứng thường xuyên để phục vụ nhu cầu cho bà con. Giờ đây, về xã Trà Leng, núi rừng đã xanh trở lại. Trên các triền đồi, người dân không chỉ trồng cây keo, mà nhiều hộ đã chuyển đổi trồng các loại cây giá trị cao, như: măng cụt, quế, sầu riêng, làm thêm ruộng nước bậc thang và đầu tư chăn nuôi bò, dê, lợn, gà để cải thiện cuộc sống.
Một góc ở Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng. Ảnh: Ngọc Anh |
Một số thanh niên trong làng còn đi làm công những lúc nhàn rỗi nên có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Anh Huỳnh Văn Hiền, dân tộc Cor, khu dân cư Bằng La, kể: “Tôi làm thuê tự do, làm xây dựng, hoặc làm ruộng, trồng cây keo. Làm theo mùa, theo vụ. Mùa mưa làm quế, mùa nắng đi làm công trình hoặc làm tự do. Sống ở đây thấy ổn định hơn trước nhiều, cuộc sống tạm ổn, đủ ăn.”
Cuộc sống hôm nay ở Bằng La đã thực sự đổi thay, làng mới, nhà mới, trường mới và những thành viên mới sinh sôi, khôn lớn, tràn đầy sức sống. Ông Hồ Văn Đề, dân tộc Bh’noong, xã Trà Leng, người mất 8 người thân trong vụ sạt lở núi ở làng ông Đề năm 2020, cho biết: “Cuộc sống nhân dân đã ổn định rồi, không lo lắng nữa, không đói nghèo nữa. Nhà nước giúp điện, đường, trường trạm, các loại cây trồng mít, ổi, cam, quýt, hỗ trợ nguồn giống trâu, bò cho dân. Chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ dân. Nếu không có nhà nước thì chúng tôi không có chỗ ở và vẫn khó khăn, đói nghèo.”
Bằng La đã được tỉnh Quảng Nam chọn để xây dựng Làng văn hóa truyền thống của người Bh’noong nên tới đây còn hướng đến bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch. Dù mới hình thành được hơn 2 năm nhưng Bằng La đã tràn đầy sức sống. Vết thương đã lành, nỗi đau cũ do thiên tai gây ra ở xã Trà Leng đã vơi và một cuộc sống mới đang hồi sinh, hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở nơi đây