(VOV5) - Đào tạo nghề cho nông dân là một yếu tố rất quan trọng nhằm đáp ứng cho quá trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tại Việt nam. Yên Bái một tỉnh vùng núi cao phía Bắc Việt nam còn nhiều khó khăn nhưng đã coi trọng việc đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.
|
Học viên các lớp nghề xây dựng đã và đang góp sức mình vào công cuộc xây dựng bộ mặt nông thôn mới của tỉnh (Ảnh: hoinongdanyenbai.org.vn) |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu: Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã.
Thực tế cho đến nay, việc triển khai công tác đào tạo nghề gắn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả bước đầu, nhất là các ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. 3 năm qua, tỉnh Yên Bái đã có hơn 18.500 người được đào tạo nghề, trong đó người lao động thuộc các hộ nghèo chiếm 32,5%. Các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo 39 nghề cơ bản như: trồng trọt chế biến nông sản, chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm, trồng rau sạch, may công nghiệp, xây dựng, gò hàn...
Việc lựa chọn các nghề đào tạo dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế, từ việc dự báo nhu cầu học nghề của người lao động, dự báo sự biến động của thị trường lao động...Thông qua đào tạo nghề các hộ dân được ổn định đời sống, người lao động được giải quyết được việc làm, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế cho các hộ gia đình, đồng thời tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Anh Lường Văn On ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: "Trước đây chúng tôi làm nghề nông, sau khi được học nghề xây dựng thì anh em chúng tôi có nghề, bớt khó khăn hơn, thu nhập bình quân từ 170 đến 180 nghìn đồng/ ngày. Trước đây chỉ trông chờ vào hạt thóc hạt gạo nay thì đã đỡ vất vả hơn".
Hiện nay đội ngũ giáo viên dạy nghề ở Yên Bái được tăng cường về số lượng, trình độ chuyên môn được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có gần 300 giáo viên dạy nghề tại 29 cơ sở dạy nghề. Ngoài ra các cơ sở dạy nghề cũng thu hút được nhiều cán bộ, công nhân kỹ thuật, người có tay nghề cao tại các cơ quan, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu học nghề, tỉnh và các cơ sở dạy nghề đã quan tâm xây dựng, phát triển 47 mô hình thí điểm cho gần 1.500 người tham quan, học hỏi.
Nhiều mô hình thí điểm có hiệu quả cao như mô hình kỹ thuật trồng lúa, chăn nuôi tằm, trồng tre bát độ ở Trấn Yên, chế biến chè, trồng nấm ở Văn Chấn, chế biến quả Sơn tra ở Mù Cang Chải… Tuy nhiên quá trình triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn không ít những khó khăn, vướng mắc như: công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện.
Ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: “Để Đề án 1956 thực sự trở nên sâu rộng và có ý nghĩa trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn,chúng tôi tham mưu cho tỉnh quan tâm tăng cường đảm bảo chất lượng dạy nghề, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức,trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc thực hiện Đề án 1956; tăng cường kinh phí, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề để đáp ứng nhu cầu dạy nghề, nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động. Thực hiện ký kết hợp đồng ba bên giữa đơn vị đặt hàng dạy nghề, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề để phát huy hiệu quả của đề án”.
Theo thống kê, tỷ lệ lao động có nghề sau đào tạo trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay đã đạt khoảng 65%. Đây là một con số đáng ghi nhận đối với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc làm có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, do đó đã và đang nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Công tác đào tạo nghề cho nông dân ở tỉnh Yên Bái, không chỉ đóng góp vào quá trình xoá đói giảm nghèo mà còn tạo ra đông lực thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra lực lượng lao động có kiến thức, có kỹ năng sản xuất, thích ứng với nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại./.