(VOV5) - Không đông đúc tấp nập như những phiên chợ ở dưới xuôi, chợ phiên nơi rẻo cao biên giới huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vẫn rộn ràng và ngập tràn màu sắc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chợ phiên từ bao đời nay đã trở thành "điểm hẹn" văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Ai từng đặt chân tới huyện vùng biên Bình Liêu đều không thể nào quên chợ phiên thị trấn Bình Liêu. Chợ phiên truyền thống họp 6 phiên mỗi tháng Âm lịch vào những ngày lẻ (3, 7, 11, 15, 17, 23), nhưng ngày nay, chợ phiên họp vào Chủ nhật hằng tuần. Hàng hóa cũng có sự thay đổi: ngoài nông lâm, thổ sản, nông cụ, mật ong, lá thuốc rừng, các loại bánh, hoa quả, trái cây, thì nay có thêm các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm từ miền xuôi, các huyện lân cận đưa tới. Chợ là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào các dân tộc (Kinh, Hoa, Tày, Dao, Sán Chỉ) sống trên địa bàn huyện và cả người dân nước láng giềng Trung Quốc. Mọi người đến chợ phiên còn để xem hát Then của người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Pả dung của người Dao và chơi các trò chơi dân gian hoặc hẹn hò kết duyên đôi lứa.
Các cô gái Dao Thanh Phán tíu tít xuống chơi chợ trong ngày Kiêng gió 4/4. Ảnh: VOV |
Ngược lên biên giới Việt - Trung, chợ phiên xã Đồng Văn dưới chân núi Cao Ba Lanh ở Bình Liêu lại có nét riêng khác biệt. Chợ nhỏ, nổi bật là khu hàng quán ẩm thực nằm san sát với mái lá ám khói, thơm nức mùi thức ăn.
Với du khách, khi đến chợ phiên Đồng Văn mà chưa thưởng thức món đặc sản “phở xào” thì coi như chưa đến Bình Liêu bởi đây là món ăn truyền thống của người dân tộc: Dao, Tày, Sán Chỉ. Phở xào Bình Liêu đâu cũng có, nhưng ngon nhất chỉ có ở chợ Đồng Văn. Bánh phở do chủ quán tự tráng rồi cắt thành sợi. Nguyên liệu xào cùng phở là thịt ba chỉ, rau hoặc giá đỗ do khách tự tay chọn mua về. Chỉ có ở Bình Liêu mới có cách nấu phở độc đáo như vậy.
Chị Vy Thị Bích, người bán phở xào ở chợ Đồng Văn, cho biết: "Mỗi sáng, tôi dậy từ 3 giờ sáng, xay bột, tráng bột, đến tầm 7 hoặc 8 giờ là có phở để xào, cứ có khách vào quán lúc nào thì xào lúc ấy. Nhiều nhất là ngày hội, có khi hết mười mấy cân gạo để xay bột phở. Nguyên liệu xào cùng phở do người ta đem đến hoặc dặn mua hộ thức gì thì xào cho họ, xào xong nóng hổi ăn luôn là ngon nhất."
Phở xào là món ăn đặc trưng hấp dẫn tại chợ phiên xã Đồng Văn. Ảnh: VOV |
Chợ phiên xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, mùng 4/4 âm lịch hằng tháng là phiên chợ đặc biệt với các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, các cuộc thi thêu hoa trên tà áo người phụ nữ và thi đan quang gánh mạ của người Dao. Người Dao ở đây tin rằng ngày 4/4 âm lịch là ngày đại kị của năm, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, nên họ gác lại mọi công việc, cả bản rủ nhau “mì sèng phẩy hêy dảo”, theo tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng 4 tháng Tư”. Vào ngày này, áo đỏ người Dao, áo xanh người Sán Chỉ, áo chàm người Tày dập dìu, già trẻ trai gái ríu rít trong phiên chợ đông vui. Chị Dường Tài Múi chia sẻ: "Bây giờ thì mình cũng theo ngày xưa, không đi làm đâu, xuống chợ chơi thôi. Gặp bạn bè, người yêu cũ cũng được, nói chuyện vui vẻ, không ngại vì ai cũng thế mà."
Tại phiên chợ, mọi người có dịp tâm sự, chuyện trò rôm rả, cùng nhau ca hát, tham gia các cuộc thi kéo co, đẩy gậy… Anh Trạng Gì Sỉnh kể: "Đi để nhìn anh em, vừa gặp anh em rồi vui chơi thế thôi, ở đâu xa cũng cố đến đây. Vui thì cứ thế là chơi thôi, có khi vui quá là không về được."
Huyện Bình Liêu sắp tới sẽ mở thêm phiên chợ đêm, tái hiện không gian văn hóa đặc sắc với các làn điệu dân ca truyền thống cùng các trò chơi dân gian hấp dẫn. Đây cũng sẽ là nơi để du khách thưởng thức ẩm thực, mua sắm các sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), đặc sản địa phương.