Đổi thay ở phum sóc tỉnh Sóc Trăng từ khi xây dựng nông thôn mới

(VOV5) - Tỉnh Sóc Trăng đã chọn 22 xã vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, cơ sở hạ tầng còn yếu, để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Sau gần 3 năm triển khai và thực hiện, hơn 3 trăm công trình an sinh xã hội đã mọc lên giúp người dân địa phương có điền kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng Phum Sóc giàu đẹp.

Đổi thay ở phum sóc tỉnh Sóc Trăng từ khi xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Đồng lúa Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, được chính quyền địa phương chọn làm điểm để thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay đã hoàn thành 11 tiêu chí nông thôn mới. Đi sâu vào ấp 4, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, hai bên đường bê tông vừa được xây dựng là những vườn cây ăn trái trĩu quả, che mát cả lối đi, xa xa là vườn rau, ao cá và những cánh đồng lúa thơm nặng hạt. Ông Dương Thơm, ở ấp 4, xã Ba Trinh, cho biết: Nhờ có Nông thôn mới mà hiện làm nông nghiệp khỏe lắm, nước ngọt quanh năm, thủy lợi hoàn chỉnh, giao thông đi lại thuận lợi, lưu thông hàng hóa dễ dàng, điện đã thắp sáng cho mọi nhà, con em học tập rất thuận lợi.  Ông Thơm chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới. Mình đã đoàn kết với nhau, có sự đồng tâm hiệp lực của cả chính quyền và nhân dân địa phương, nhờ vậy nên chúng tôi mới xây dựng được các công trình thuộc phong trào xây dựng nông thôn mới, phục vụ lợi ích cho nhân dân.”

Tại xã Xuân Hòa, đường liên thôn ở Xuân Hòa đã nối liền tất cả các ấp trong xã. Những năm qua, xã vận động được gần hai tỷ đồng, làm xong 3,5 km đường, một cầu treo, ba cây cầu bê-tông. Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Nguyễn Văn Vũ cho biết: lấy phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân xã Xuân Hòa nhiệt tình ủng hộ hiến đất mở đường, đóng góp cả tiền của để làm đường. Bà con cho rằng, trước kia, Nhà nước lo cho mình nhiều rồi, đã đến lúc không trông chờ ỷ lại nữa, mà phải cùng với Nhà nước xây dựng quê hương.

Xã Trường Khánh, huyện Long Phú, với 54% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, cũng được tỉnh Sóc Trăng chọn làm điểm để chỉ đạo thực hiện phong trào này. Là một xã thuần nông nên trong quá trình đầu tư, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí liên quan đến nông nghiệp như thủy lợi, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất v.v.. Để thực hiện có hiệu quả, xã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu, tổ hợp tác và hợp tác xã gắn với bảo vệ môi trường. Ạnh Lâm Vĩnh Sang, ấp Trường Hưng, một trong những nông dân người Khmer tham gia tổ hợp tác, cho biết: “Năm nào tôi cũng tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở xã. Tại lớp tập huấn tôi được nghiên cứu về phương pháp trồng trọt, sản xuất chăn nuôi nông nghiệp. Sau khi đi học về tôi hiểu biết nhiều nên sản xuất có hiệu quả nhiều hơn.”

Vùng quê Kế Sách ngày nào đang từng bước khang trang, no ấm. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách Vũ Bá Quan cho biết: Toàn huyện có hơn 27.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cây ăn trái và lúa, chỉ có khoảng 1.000 ha cây màu. Hiện nay, diện tích cây màu đã tăng lên hơn 1.300 ha. Ðây cũng là một trong những dấu hiệu đáng mừng về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Kế Sách. Đặc biệt, từ khi tỉnh đưa vào sử dụng tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, giúp nông dân huyện Kế Sách tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn nên thu nhập của bà con đã ổn định hơn so với trước.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, 22 xã điểm đã được Sóc Trăng đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả. Đến nay tất cả xã điểm của tỉnh đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 xã đạt tới 13 tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo các cấp đặc biệt quan tâm tuyên truyền để đồng bào hiểu về lợi ích của công trình, nên người dân địa phương đã tham gia tích cực cùng với chính quyền triển khai thực hiện. Ông Thạch Thal, Bí thư Huyện ủy, huyện Long Phú, cho biết: “Trong quá trình xây dựng các công trình ở cơ sở thường ảnh hưởng đến tài sản, đất đai và hoa màu của người dân. Để người dân ủng hộ phong trào, Ban chỉ đạo các cấp tuyên truyền, vận động người dân để người dân hiểu rõ về lợi ích của cộng động. Khi bà con hiểu, bà con sẽ hiến đất, đóng góp công sức và cả tiền của cùng với Nhà nước thực hiện phong trào này.”

Đến nay, các xã được tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng nông thôn mới đã đưa vào sử dụng hơn 120 công trình phúc lợi công cộng gồm: Điện thắp sáng, giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế nước sạch sinh hoạt… Những công trình này giúp đồng bào Khmer phát triển sản xuất, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác