(VOV5) - Minh chứng rõ nét cho sự đổi thay trên vùng quê Mường Lựm là sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Xã Mường Lựm, theo tiếng Thái, nghĩa là vùng đất bị bỏ quên. Vùng đất này là quê hương cách mạng, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của Ðảng bộ huyện Yên Châu, Sơn La, năm 1948. Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và tỉnh Sơn La, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng phát triển và quê hương Mường Lựm ngày càng giàu mạnh.
Là nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Yên Châu, xã Mường Lựm đã, đang phát huy truyền thống cách mạng, tích cực vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Ảnh: VOV |
Từ Quốc lộ 6, con đường huyết mạch đi các tỉnh Tây Bắc, cách Hà Nội 235 km, đến địa phận xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, rẽ phải, đi ngược dốc lên khoảng 14 km, là đến trung tâm xã vùng cao Mường Lựm. Về thăm Mường Lựm những ngày đầu tháng 10, con đường betong đưa chúng tôi đi quanh những sườn đồi xanh mướt cây ăn quả cùng những cánh đồng lúa chín trải dài dưới thung lũng.
Mường Lựm trước đây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu. Xã có 731 hộ với 3.570 nhân khẩu, sinh sống tại 7 bản, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Để giúp người dân tìm hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, những năm qua, chính quyền xã Mường Lựm đã ban hành nhiều nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân trong xã khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tranh thủ và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất. Xã đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao… phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế, mở rộng diện tích cây lương thực, cây ăn quả; chú trọng chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, xã Mường Lựm đã phát triển được trên 230 héc ta cây ăn quả, gần 2.000 con trâu bò, gần 3.000 con lợn… Hiện, xã có trên 60 héc ta lúa nước, trong đó chủ yếu trồng giống lúa đặc sản nếp tan Mắc Đươi đã được công nhận là sản phẩm của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), có giá trị kinh tế cao.
Nông dân bản Nà Lắng, xã Mường Lựm chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Thanh Huyền/baosonla.org.vn |
Ông Hoàng Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Mường Lựm, cho biết: "Thực hiện Nghị quyết của tỉnh Sơn La, xã Mường Lựm tập trung phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từ cây trồng, vật nuôi kém năng suất và giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao, như: cây ăn quả và chăn nuôi bò. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh. Năm ngoái, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4 %. Hiện số hộ nghèo còn 32% và cận nghèo còn 13%."
Minh chứng rõ nét cho sự đổi thay trên vùng quê Mường Lựm là sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại bản Ôn Ốc, nơi 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, là gia đình ông Vừ Lao Phổng. 10 năm qua, gia đình ông đã chuyển đổi hơn hai héc ta đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây mận hậu. Vừa chăm sóc, vừa học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây mận hậu để làm mận rải vụ từ tháng 3 đến hết tháng 6. Điều này đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông đã thu lãi trên 300 triệu đồng (khoảng 13.000 USD).
Ông Vừ Lao Phổng cho biết: "Nhà nước tuyên truyền chuyển đổi sang cây trồng khác nên tôi cũng mạnh dạn triển khai chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn. Khi chuyển đổi cây trồng sang cây mận hậu, gia đình cũng có nguồn thu ổn định. Tôi cũng hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con trong bản chuyển sang cây mận và đến nay, cả xã có 52 héc ta mận hậu. Tuy là vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhưng bà con nơi đây chăm sóc cây mận hậu rất tốt."
Lĩnh vực văn hóa, xã hội ở Mường Lựm có nhiều chuyển biến tích cực khi trên 99% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; gần 10 km đường liên bản, nội bản được bê tông hóa. Hiện, Mường Lựm đã được đầu tư tuyến đường giao thông từ Mường Lựm đến Tân Lập, huyện Mộc Châu và đang thi công tuyến đường liên bản Ôn Ốc đi Bản Giản, giúp nhân dân đi lại dễ dàng và giao thương hàng hóa thuận lợi. Công tác giáo dục đào tạo luôn được xã Mường Lựm quan tâm. Hiện, xã có 3 cấp học; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%; tất cả học sinh trong độ tuổi được phổ cập chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện theo đúng chế độ; chính sách khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế; các bệnh thông thường đã được trạm y tế xử trí kịp thời.
Ông Hoàng Văn Mến, người dân xã Mường Lựm, chia sẻ:"Chính quyền xã Mường Lựm những năm qua đã ban hành nhiều nghị quyết và triển khai quyết liệt về vấn đề xóa đói giảm nghèo để mức đời sống của nhân dân ngày càng khá lên. Chúng tôi thấy nhiều năm liền, cán bộ xã luôn đi đầu, trong triển khai công việc, phát triển đời sống, xóa đói giảm nghèo… để bà con nhân dân học tập và làm theo."
Với sự nỗ lực đoàn kết đồng lòng vượt khó của chính quyền và nhân dân, vùng quê cách mạng Mường Lựm đang thay đổi từng ngày. Để Mường Lựm tiếp tục bứt phá, phát triển, tỉnh Sơn La và huyện Yên Châu đang hỗ trợ đầu tư thông qua các chương trình dự án; quy hoạch khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Hồ Mường Lựm, xã Mường Lựm, gắn với tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn. Đây sẽ là đòn bẩy giúp Mường Lựm tiếp tục bứt phá vươn lên, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.