Du lịch cộng đồng hiện nay đã không còn xa lạ với các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống ở tỉnh Ninh Thuận.
Làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, được đông đảo du khách biết đến với nhiều dịch vụ độc đáo và địa điểm du lịch lý tưởng, nổi tiếng nhất cả nước là đồi cát Nam Cương. Thôn có hơn 500 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Du khách đến với Tuấn Tú không chỉ được tham gia chương trình biểu diễn văn nghệ, trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản địa như: trồng rau sạch, cho dê cừu ăn… mà còn được chiêm ngưỡng, hòa mình vào thiên nhiên trong lành và thỏa thích sáng tác ảnh nghệ thuật tại đồi cát Nam Cương. Qua đó giúp họ xua đi mệt mỏi, lo âu của cuộc sống hằng ngày.
Hình ảnh thiếu nữ Chăm trên đồi cát Nam Cương, Ninh Thuận. |
Chị Vũ Thị Hương, thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật Du Mục Hà Nội, lần thứ 2 chị trở lại nơi đây, nhưng cảnh đẹp cũng như hình ảnh cô gái Chăm thướt tha bên bộ áo dài truyền thống, những buổi đi trồng rau, cho đàn dê, cừu ăn… vẫn cuốn hút chị như lần đầu. Chị Hương chia sẻ: “Đồi cát này cảnh vật rất đẹp và đường nét của viền cát có bóng dáng của phụ nữ Chăm đi trên cát tạo nên những hình ảnh du lịch rất cuốn hút. Chúng tôi muốn ghi lại những bức hình nhằm giới thiệu nét đẹp của Ninh Thuận cho nhiều người.”
Làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, là nơi được biết đến như cái nôi văn hóa dân tộc Chăm. Người Chăm nơi đây đã lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống Chăm như: các lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc. Bên cạnh đó nơi đây cũng tụ hội nhiều nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc như: trống Ginăng, Paranưng và kèn Saranai. Những dịp lễ hội của dân tộc Chăm hay các ngày lễ, Tết đã thu hút hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước đến du lịch trải nghiệm, nghiên cứu và tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc. Phát huy thế mạnh sẵn có, nhiều gia đình người Chăm đã khai thác lợi thế của địa phương để phát triển dịch vụ du lịch như: xây dựng các tour, tuyến, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay để thu hút du khách.
Đến nay, hơn 20 làng Chăm trên địa bàn tỉnh đã hình thành từ 4-5 điểm lưu trú du lịch, du lịch sinh thái, điểm du lịch tâm linh…thu hút hàng ngàn khách du lịch, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Chị Nguyễn Thị Lan, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Đến Phan Rang, tôi được các bạn đưa đến ở chung với gia đình họ, đó là một gia đình người Chăm, rất là lạ vì lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Chăm. Mình được thấy tận mắt những thức ăn mà mình ăn hằng ngày được trồng, chăm sóc ra sao? Vất vả như thế nào? Được phơi nắng, hái rau non… cảm giác ấy rất lạ.”
Hướng dẫn viên người Chăm cùng các du khách. |
Đảm nhận vai trò hướng dẫn viên du lịch của thôn Tuấn Tú và người mẫu ảnh nghệ thuật cho các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước tại địa phương, chị Châu Thị Thùy Vân cho biết: Mỗi tháng, chị đón gần 10 đoàn khách du lịch, mỗi đoàn từ 8-10 người. Bình quân một tour tham quan, trải nghiệm trồng rau, thăm đàn cừu và chụp ảnh lưu niệm trên cát trong khoảng 2-3 tiếng, chị Vân được trả thù lao 300 ngàn đồng – 400 ngàn đồng/giờ. Nhờ đó, thu nhập của chị cũng tăng lên đáng kể.
Chị Vân cho biết: “Hễ làm cái gì là du khách thích cái đó. Thứ nhất là mình phải biết, nhiếp ảnh có những đặc trưng riêng, đối với nhiếp ảnh thì cần phải chiều sâu, cần phải khai thác văn hóa Chăm, ví dụ như các phong tục: Lễ trưởng thành của người Chăm theo đạo Bà Ni hay các lễ hội trên tháp Chăm, lễ hội Kate… Bản thân tôi làm nghề này thứ nhất là lòng đam mê, thứ hai là làm kinh tế, kiếm thu nhập cho gia đình.”
Nhà tranh truyền thống Chăm tại Khánh Ly Farmstay. |
Được xây dựng hơn hai năm nay, Khánh Ly Farmstay, không gian xanh của gia đình chị Đàng Thị Saly, thu hút nhiều du khách không chỉ nhờ không gian mát mẻ trong ngôi nhà truyền thống Chăm, mà còn bởi những món ăn truyền thống Chăm đậm đà hương vị vùng miền như: canh bồi, thịt dê hấp ăn kèm với rau ghém, canh thịt gà… Chị Saly chia sẻ: “Khách đến đây chỉ thích ăn những món ăn truyền thống Chăm, thích không gian thoáng mát, hoang sơ, ăn những món mình nấu chứ không đi ăn ở ngoài. Mình cũng đưa họ đi đây đi đó. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các điểm du lịch của người Chăm sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều.”
Với xu hướng khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa, trong tương lai không xa, tin rằng du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào Chăm phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thông qua các dịch vụ phục vụ du khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương. Du lịch cộng đồng góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội tại địa phương.