VOV5)- Trồng quế là nghề truyền thống và là tài sản đặc biệt của cộng đồng người Dao ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Nhờ có cây quế, thu nhập của của đồng bào ngày càng ổn định, đời sống vật chất tinh thần cũng không ngừng phát triển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chuẩn bị cho chuyến lên vườn chăm sóc quế trong căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, vừa hoàn thành cuối năm ngoài, gia đình anh chị Bàn Phúc Hoa - Bàn Thị Thư, thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, khó có thể tin rằng khoảng 10 năm về trước, gia đình anh chị thuộc diện phải lo từng bữa ăn. Từ ngày chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình anh chị đã chuyển toàn bộ diện tích nương lúa kém hiệu quả sang trồng cây quế. Năm 2008, gia đình anh chị bắt đầu có thu nhập từ cây quế. Riêng năm 2015, từ cây quế gia đình thu trên 800 triệu đồng, cộng với tích góp từ những năm trước, anh chị đã làm được ngôi nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng; mua được xe ô tô. Chị Bàn Thị Thư cho biết: “Tôi vui lắm, so trước đây nhà tôi làm nương cố lắm cũng chỉ đủ ăn thôi, trồng quế thì mới có tiền làm nhà, nuôi con học, mua sắm đồ dùng trong tết nhiều… Vì vậy, theo tôi thì bà con người Dao mình ở đâu có đất rộng thì cứ trồng cây quế, quế sẽ giúp mình thoát nghèo và làm giàu được.”
|
Rừng quế cộng đồng của thôn Giàng Cài (Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: Báo Yên Bái |
Năm vừa qua, thị trường quế tiếp tục được nâng cao và ổn định, cây quế bán được từ vỏ, gỗ đến lá cành, bà con nhân dân xã Viễn Sơn có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi hộ có đất trồng quế đạt từ 80 đến 200 triệu đồng, có những hộ thu nhập đến gần 1 tỷ đồng. Năm 2015, nhiều hộ gia đình còn thuộc diện trung bình của năm trước, nay vươn lên thành gia đình khá giả. Ông Bàn Hữu An, thôn Khe Qué, xã Viễn Sơn, cho biết: “Mấy năm qua, cây quế được giá nên chúng tôi mua sắm, ăn Tết to hơn. Ăn Tết đầy đủ nhưng chúng tôi không quên bản sắc văn hóa của người Dao mình. Trong tết chúng tôi vẫn tổ chức đầy đủ những nghi thức truyền thống tốt đẹp vào dịp đầu xuân như cúng tổ tiên, con cháu học tiếng nói, chữ viết, sáng tác văn thơ…theo đúng truyền thống của người Dao mình.”
Mùa xuân là thời điểm vào vụ trồng quế mới, vì vậy bà con người Dao huyện Văn Yên nói chung, ở xã Viễn Sơn nói riêng, thường tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi những kinh nghiệm quý để trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế cây quế; cùng nhau canh tác theo mô hình sản xuất mới, nhằm thu được giá trị cao nhất từ cây quế. Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, cho biết: “Đối với cây quế của Viễn Sơn chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đặc biệt đảm bảo về môi trường trồng. Thứ 2 là làm cỏ theo hình thức lao động trực tiếp là phát, cào xúc; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu phun lên cây quế làm ảnh hưởng đến sản phẩm của quế”
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 30 nghìn héc ta quế, tập chung chủ yếu ở huyện Văn Yên với trên 23 nghìn héc ta. Năm 2015, huyện Văn Yên đã xuất bán hơn 7.000 tấn vỏ quế, trên 55 nghìn tấn lá cành và hàng nghìn mét khối gỗ, thu về gần 400 tỷ đồng. Ông Hà Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên ,cho biết thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có những chính sách để người dân trồng quế nâng cao thêm chất lượng và giá trị: “Chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý tốt quy hoạch vùng quế. Tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm quế từ khâu lựa chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến quế. Huyện sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư để thua mua, chế biến quế nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của sản phẩm quế, nâng cao thu nhập cho người dân.”
Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự chủ động của bà con vùng cao nói chung, người Dao nói riêng, cây quế đã và đang thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Cây quế nơi đây đã và đang đem đến những mùa xuân ấm áp, trọn vẹn trên núi rừng Tây Bắc.