(VOV5) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Sê đã có khoảng 230 nhà yến, sản lượng khoảng 50kg tổ yến thô/tháng.
Nhận thấy điều kiện khí hậu, môi trường phù hợp với nghề nuôi chim yến, người dân trên địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà nuôi yến. Đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế ở địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều hộ dân ở huyện Chư Sê cải tạo, cơi nới các công trình nhà ở hoặc đầu tư xây dựng mới các nhà nuôi yến, sử dụng các thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến về làm tổ, sinh sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Sê đã có khoảng 230 nhà yến, sản lượng khoảng 50kg tổ yến thô/tháng. Với giá thị trường dao động từ 20 đến 24 triệu đồng/kg, thu nhập của mỗi hộ từ nhà yến đạt từ 20 đến 70 triệu đồng/tháng, cá biệt có hộ thu đến hàng trăm triệu đồng.
Nuôi chim yến đang là hướng đi mới của nhiều hộ dân ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Sê, cho biết: “Về chuyên môn cơ quan hướng dẫn các hộ trước hết phải làm các thủ tục liên quan đến đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến để đảm bảo yến làm ra mang lại giá trị tốt nhất cho người sử dụng. Về lâu dài, chứng tôi sẽ hướng dẫn cho các hộ hoàn thiện các hồ sơ để tham gia sản phẩm theo tiêu chuẩn chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Chư Sê, tiến tới xây dựng thương hiệu yến sào của huyện Chư Sê.”
Mô hình nuôi chim yến ở huyện Chư Sê bước đầu đem lại thu nhập cao và ổn định cho nhiều hộ dân. Ở đây cũng xuất hiện những hộ kinh doanh nuôi yến tiêu biểu. Ông Phạm Tiến Dũng, người tiên phong trong nghề nuôi yến ở Chư Sê, cho biết, năm 2014 ông chuyển từ trồng hồ tiêu sang nuôi yến, nhờ đó kinh tế gia đình đi lên: “Tháng 10/2014 mình làm được căn nhà 90m2, hơn 7 năm nuôi yến thì sản lượng thu được trên dưới 20 kg yến/tháng. Hiện nay, tổng diện tích nuôi yến đã hơn 1000m2 xung quanh nhà. Thu chủ yếu từ căn đầu tiên và căn thứ hai, căn thứ hai là được 300m2, thu phải từ 7 kg đến 8 kg/tháng. Làm yến thì đòi hỏi thời gian nhiều, chứ năm thứ nhất, thứ hai, thứ ba thì thu không nhiều, không bằng năm thứ tư, thứ năm. Đầu năm 2022, giá yến tăng lên một cách bất ngờ, giá lên tới 24, 25 triệu/1 kg yến thô.”
Tương tự, gia đình ông Lã Văn Phóng, trú tại thị trấn Chư Sê cũng có thu nhập ổn định từ nuôi chim yến. Năm 2016, ông đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng nhà nuôi yến, với ván ốp trần, thiết bị âm thanh dẫn dụ, máy tạo độ ẩm và nhiệt độ để yến tìm đến ở. Sau 6 năm nuôi, hiện bình quân mỗi tháng gia đình ông có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ thu hoạch tổ yến.
Tổ yến thô được nông dân huyện Chư Sê thu hoạch với số lượng lớn. Ảnh: VOV |
Ông Lã Văn Phóng kể: “Hồi tôi làm thì tôi xuống Ayun Pa ký kết với Công ty yến Khánh Hòa vì lúc đó mình muốn làm nghề yến. Về tôi làm thử mô hình đầu tiên là 120m2, đã được 6 năm, năm vừa rồi cũng được 50 đến 60 kg. Mình chỉ mất đầu tư ban đầu, sau cứ có sản phẩm là thu, một tháng hết 200 đến 300 ngàn tiền điện nước. Nghề làm yến tính ra cũng giống như trồng tiêu, cà, sau 3 năm là có lãi.”
Nhiều hộ nuôi yến huyện Chư Sê còn phát triển các mặt hàng yến sạch, yến tinh chế, yến chưng với giá bán cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Các hộ nuôi yến cũng liên kết lại với nhau để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới để có những sản phẩm chất lượng. Ngành nông nghiệp huyện Chư Sê đang từng bước xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê tham gia vào các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm yến sào ra thị trường trong và ngoài nước.