(VOV5) - Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, Bình Chánh đang có gần 850.000 dân và bình quân mỗi năm tăng thêm 30.000 người
Bình Chánh là huyện ngoại thành của TP.HCM với nhiều khó khăn như đông dân, hạ tầng chưa phát triển. Suốt 10 năm qua, huyện đã vượt khó để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhiều mô hình hiệu quả, nâng cao đời sống người dân.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều năm trước, nhiều bà con nông dân ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM sống khó khăn với cây mía trồng trên vùng đất phèn cằn cỗi. Vào thời điểm mía mất giá, bà con tìm cây khác thay thế trong đó có cây mai vàng. Họ mạnh dạn vay vốn từ nguồn hỗ trợ vốn của địa phương để đầu tư mở rộng vườn mai, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Riêng mỗi vụ tết, trừ chi phí, các hộ gia đình trồng mai thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng nhờ cung cấp mai nguyên liệu, mai chậu thành phẩm cho thị trường.
Bà con nông dân ở Bình Chánh đầu tư mở rộng vườn mai, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: VOV |
Không chỉ có cây mai, xã Bình Lợi còn nổi tiếng với làng nuôi cá cảnh và các vườn trồng hoa lan bạt ngàn. Trong đó, nuôi cá Koi cảnh thuần Việt là một nghề đang mang lại thu nhập "khủng" cho người dân địa phương. Các trang trai nuôi cá Koi ở Bình Lợi thu nhập tiền tỷ mỗi năm, sản phẩm xuất sang cả Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao phát triển, cộng với giao thông được đầu tư góp phần đẩy mạnh kinh tế dịch vụ của huyện Bình Chánh phát triển. Huyện thoát khỏi cơ cấu kinh tế thuần nông để đa dạng ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: "Theo tiêu chí nông thôn mới ở chuẩn mới thì địa phương cũng sẽ kiến nghị xem xét đầu tư hạ tầng làm sao cho phù hợp với nhu cầu. Định hướng theo chiều hướng đô thị hóa địa phương ngoài việc phát triển kinh tế nông thôn thì sẽ đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn."
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM, Bình Chánh đang có gần 850.000 dân và bình quân mỗi năm tăng thêm 30.000 người. Dân cư tập trung rất đông ở hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và hơn 160 vựa thu gom phế liệu khiến môi trường sống nhiều nơi ô nhiễm trầm trọng. Năm 2015, Bình Chánh đã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng phải đến cuối năm 2020 mới hoàn thành nốt tiêu chí về môi trường còn lại tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Bình Chánh trở thành huyện cuối cùng của TP.HCM hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2020 đạt gần 70 triệu đồng, gấp 4 lần so với năm 2010. Trên địa bàn huyện không có hộ nghèo thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, chỉ còn 534 hộ thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cho biết: "Chương trình nông thôn mới được bà con địa phương rất ủng hộ, bởi mang lại rất nhiều lợi ích khi đường xá được nâng cấp, việc đi lại của bà con, rồi giao thương buôn bán thông thoáng nhờ đó cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, TP còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ về đầu ra, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là vốn và rất nhiều vấn đề khác."
Huyện Bình Chánh đang có gần 850.000 dân và bình quân mỗi năm tăng thêm 30.000 người. Ảnh: VOV |
Bình Chánh là địa phương được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật phía Tây Nam TP.HCM. Hiện trên địa bàn huyện có gần 25.000 doanh nghiệp, trên 17.000 hộ kinh doanh, 4 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động. Giai đoạn 2016– 2020, huyện tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 20,5%/năm. Trong đó ngành công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng bình quân gần 21%/năm, chiếm tỷ trọng 80% cơ cấu kinh tế, giữ vai trò động lực tăng trưởng, ngành nông nghiệp giảm dần tỷ trọng.
Trước tình hình đô thị hóa, song song với việc hoàn thành nông thôn mới, huyện Bình Chánh đang lập đề án chuyển lên thành phố. Cụ thể, Bình Chánh sẽ điều chỉnh quy hoạch vùng dựa trên điều kiện phát triển của huyện và gắn liền với các vùng lân cận; mở rộng quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành; quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao tập trung; quy hoạch các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống kho, bãi hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh lân cận.
Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết: "Những vùng thôn đã được đầu tư vừa qua phải làm sao giữ được những kết quả này. Bên cạnh đó làm sao huy động được nguồn vốn, nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp để xây dựng một số công trình hạng mục, đầu tư hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội để làm sao nâng cao được đời sống của người dân. Đó là nhiệm vụ tiến trình xây dựng và phát triển bền vững của Bình Chánh trong thời gian tới."
Xây dựng nông nông mới ở huyện Bình Chánh nói riêng và ở TP.HCM nói chung đều mang tính đặc thù. Với huyện Bình Chánh, việc hoàn thành nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng, không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn làm cơ sở để rà soát lại sự chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, kết hợp phát triển đô thị, hạ tầng...quy mô, hiệu quả hơn.