(VOV5) - Tính đến cuối năm 2013, huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong 3 năm, huyện đảo Cô Tô đã cán đích 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đi trước tiến độ của toàn tỉnh Quảng Ninh 2 năm, toàn quốc 7 năm, thực sự gây ấn tượng.
Cắt băng khánh thành và đóng lưới điện quốc gia trên huyện đảo Cô Tô
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Cô Tô là huyện đảo thuộc vào diện khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh và của cả nước. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu tàu thuyền kết nối giao thông đảo với đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phương tiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, khó khăn chồng chất khó khăn. Vào thời điểm cuối năm 2010, các hộ dân phải chắt từng giọt nước phục vụ sinh hoạt, chưa nói gì đến nước sản xuất. Cả huyện chỉ có 2 cụm máy phát điện, hoạt động khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ/ngày. Mỗi năm ngân sách huyện phải hỗ trợ kinh phí bù giá dầu phát điện cho nhân dân từ 7 đến 11 tỷ đồng. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện là gần 10%.
Vậy mà, chỉ sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay cả 2 xã của huyện Cô Tô đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đảo Cô Tô đầu tư nâng cấp, xây mới 12 hồ nước trên đảo cung cấp nước sạch cho 95% hộ dân. Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng và thời gian thi công ngắn nhất, chưa có tiền lệ, hoàn thành vào cuối năm 2013, đưa điện lưới quốc gia đến nhân dân huyện đảo xa xôi của Tổ quốc. Cơ cấu kinh tế của Cô Tô có sự chuyển dịch nhanh chóng, từ một huyện nông nghiệp nghèo trở thành một trung tâm du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh với lượng khách du lịch năm 2010 là 3.500 người, năm 2013 gần 60.000 người, tăng 17 lần trong 3 năm. Bộ mặt khu vực nông thôn của huyện có sự thay đổi nhanh chóng với 100% các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, ngõ xóm, kể cả ngõ vào từng nhà dân đã được bê tông hóa; 100% trường học đủ điều kiện công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 0,5% (chỉ còn 8 hộ nghèo). Người dân nơi đây tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới này. Bà Trần Thị Chính, ở thị trấn Cô Tô, cho biết: Việc gì tôi cũng đóng góp, nói hỗ trợ cái gì thì cứ đến nhà không ít thì nhiều tôi cũng phải ủng hộ. Dù nghèo tôi cũng phải ủng hộ cho nông thôn để mà làm. Nói là quỹ hay bất kể cái gì, tiền gì tôi cũng phải ủng hộ đến nơi đến chốn. Chứ tôi không từ chối việc gì cả.
Kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo đà cho sự phát triển chung của huyện đảo. Kinh nghiệm được Cô Tô rút ra sau 3 năm qua đó là: Bài học về quyết tâm, sáng tạo trong lãnh đạo chỉ đạo, về việc xác định đúng mục tiêu, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện của địa phương, bài học về lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, về huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ nhân dân đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Côi, người dân thôn Hải Tiến, xã Đồng Tiến, cho biết: Chính quyền vận động dân hiến đất để làm đường thì tôi cũng nhất trí. Tất cả dãy chúng tôi thì cũng nhất trí là nhà thì hiến 3 mét, nhà thì hiến 5 mét để làm đường vành đai cho các cháu đi học.
Năm 2014 này, huyện đảo Cô Tô hướng ra biển lớn với nhiệm vụ đưa Trung tâm hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện vào hoạt động, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ để Cô Tô thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ.Ông Hà Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến, cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi cũng xác định phát triển hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó thì cũng phát triển các dịch vụ du lịch. Vì thế chúng tôi quyết tâm tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung và đặc biệt là các sản phẩm thuỷ sản chủ lực.
Hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Cô Tô đang từng bước phấn đấu từng bước trở thành Trung tâm du lịch chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, một trong những trọng điểm về kinh tế biển trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước và của tỉnh Quảng Ninh./.