(VOV5) - Đường Lâm nổi tiếng vì là ngôi làng duy nhất có tới hai vị vua trong lịch sử dân tộc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua của Thủ đô Hà Nội, bởi những giá trị độc đáo về lịch sử và kiến trúc, văn hóa. Người dân Đường Lâm nhiều năm nay rất tích cực bảo vệ môi trường du lịch để giữ mãi những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu... nơi đây.
Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự) nằm ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Sơn Tây, thành phố Hà Nội - Ảnh: Tạp chí VHNT |
Đường Lâm nổi tiếng vì là ngôi làng duy nhất có tới hai vị vua trong lịch sử dân tộc. Làng hiện có 97 ngôi nhà cổ các loại, trong đó có 10 ngôi nhà cổ đã được Nhà nước xếp hạng, ngoài ra còn có 50 di tích đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ… tạo nên một di sản văn hóa quý báu.
Điểm tới thăm đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Mông Phụ, được coi là nhà cổ lâu đời nhất còn sót lại ở Đường Lâm. Phía sau chiếc cổng hẹp cổ kính được xây bằng chất liệu đất đá ong đặc trưng của Đường Lâm cùng giàn hoa rủ lãng mạn, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo với 5 gian nhà dựng trên 5 hàng chân cột, ở giữa là khoảng sân rộng, tường bao xây bằng đá ong qua mưa nắng thời gian đã ngả mầu màu nâu xám. Những nét cổ kính nguyên sơ còn được giữ gìn qua 12 thế hệ đã khiến ngôi nhà trở thành địa chỉ thường xuyên lui tới của hàng trăm du khách trong và ngoài nước mỗi ngày.
Theo ông Hùng, để gìn giữ, bảo tồn nhà cổ và phát triển du lịch bền vững, việc bảo vệ môi trường cũng được những người trong gia đình hết sức chú trọng, từ thu gom rác đúng cách đến việc không tổ chức hoạt động lưu trú để hạn chế các hoạt động phát sinh rác thải. Ông Hùng cho biết: "Trong những năm làng cổ Đường Lâm bước vào làm du lịch thì bên vệ sinh môi trường họ làm rất tốt, buổi sáng có một đội chuyên đi thu gom rác thải, nhà nào có rác thải thì đặt ngoài cổng cho nên là ngày nào cũng thu gom như thế nên nó cũng sạch hơn".
Trong ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi của bà Dương Thị Lan, du khách cũng tấp nập tham quan. Đây là ngôi nhà của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính xây dựng, thiết kế 3 gian 2 chái, hiện đã được xếp hạng nhà cổ loại I. Bậc cửa cao thể hiện địa vị của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, khiến du khách ghé thăm đều kính cẩn. Hàng ngày, cùng với việc trông nom, vợ chồng bà Lan vẫn mở cửa đón khoảng 50-60 lượt du khách trong và ngoài nước tới ngắm ngôi nhà, từ học sinh, sinh viên tới khách quốc tế. Rất nhiều du khách thích thú khi được ở lại qua đêm để trải nghiệm công việc làng quê. Thế nhưng trong căn nhà, tịnh không thấy một bóng rác thải.
Bà Lan cho biết, cùng với việc hướng dẫn khách tham quan nhà cổ, những phụ nữ trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên quét dọn, gom rác về tập kết đúng nơi quy định: "Cái công việc đầu tiên là về môi trường, thì chúng tôi đi hàng đầu để tuyên truyền, về không dùng túi nilon và đến bây giờ thì đặc biệt là nói không với rác thải nhựa rồi. Đối với khách thì khách họ cũng rất ý thức, họ không có chuyện bỏ bừa ra đâu, họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan chung của làng cổ Đường Lâm chúng tôi".
Căn nhà cổ bằng gỗ có tuổi đời gần 400 năm thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. - Ảnh:vietnamnet. |
Nỗ lực bảo vệ môi trường làng cổ Đường Lâm còn được chung tay của những người làm hướng dẫn viên du lịch. Cùng với công việc hướng dẫn viên, chị Hà Thị Thu Hương, một người con của làng cổ Đường Lâm, cũng luôn khuyến cáo du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Nhờ vậy, không gian những địa danh thu hút rất đông du khách như đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền, chùa Mía… của Đường Lâm đều rất sạch sẽ, thanh tịnh: "Khi du khách đến với làng cổ Đường Lâm thì họ cũng cảm thấy rất trầm trồ trước một ngôi làng quê rất cố kính và gìn giữ được rất nhiều nét phong tục, kiến trúc, văn hóa ở làng quê Đường Lâm. Khi du khách đến với làng cổ Đường Lâm thì cũng luôn nhắc nhở du khách họ sử dụng các sản phẩm của Đường Lâm thì sau khi dùng xong chúng ta sẽ để rác vào đúng nơi quy định để đảm bảo cho môi trường của làng cổ Đường Lâm lúc nào cũng giữ được vẻ xanh, sạch, đẹp".
Ông Nguyễn Trọng An, Phó trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, cho biết, mỗi năm, làng cổ này đón khoảng 5 vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đối với hoạt động du lịch, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân có cam kết bảo vệ môi trường, thu gom tập kết rác đúng nơi quy định. Các hộ kinh doanh có nhiều rác đều phải thực hiện thu om đúng nơi quy định, đúng giờ, chủ yếu thu gom vào ban đêm để không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch: "Chúng tôi cũng nói với bà con là chúng ta giữ môi trường trước tiên là giữ cho cuộc sống của mình đã, không phải giữ cho khách du lịch, không phải giữ cho Nhà nước hoặc cho cơ quan nào cả, mà giữ cho chính bản thân của mình, cho môi trường thật sạch sẽ, trong lành, tạo ấn tượng cho du khách".
Tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường không còn chuyện xa xôi, mà đang dịch chuyển rất rõ nét bằng những sự thay đổi ở các làng nghề, các điểm du lịch, từ sự thay đổi của mỗi người dân, của những người có trách nhiệm ở địa phương, và của các đơn vị du lịch, lữ hành, như thực tế đang có ở Đường Lâm