(VOV5) - Phạm Pháo là một làng quê thuần nông của tỉnh Nam Định, nhưng thật đặc biệt, đây lại là nơi nổi tiếng với nghề làm kèn đồng.
Không chỉ sản xuất, nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi thành thạo nhiều loại kèn đồng. Những người nông dân ở đây tự làm ra các loại kèn để sử dụng và bán đi khắp các vùng miền, kể cả ra nước ngoài.
Làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định từ lâu đã nức tiếng trên dải dất hình chữ S với nghề làm kèn đồng hay còn gọi là "nghề làm kèn Tây". - Ảnh: Ngọc Thành/ vnexpress.net |
Phạm Pháo là tên một xứ đạo bình yên thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sở dĩ có cái tên Phạm Pháo là vì làng có đông người mang họ Phạm và là một trong bốn dòng họ có công khai khẩn mảnh đất Hải Hậu. Nhìn từ trên cao, địa hình của làng lại giống như hình khẩu pháo, bởi vậy không rõ từ bao giờ làng mang tên Phạm Pháo.
Từ đầu thế kỷ 16 đạo công giáo được du nhập vào đây và ngôi Thánh Đường Phạm Pháo đươc xây dựng vào năm 1908. Vào năm đó Phạm Pháo đã có đội kèn mà người dân gọi là đội kèn Tây, nó được du nhập từ phương Tây. Kể từ đó các đội kèn Tây này được duy trì, không chỉ phục vụ trong thành đường giáo lễ, mà còn hòa niềm vui của cả đạo và đời.
Ban đầu để biểu diễn trong các dàn nhạc, những chiếc kèn đồng đều phải mua từ nước ngoài, nhưng trong quá trình sử dụng lâu ngày cũng có chiếc bị hư hỏng, phải mất nhiều thời gian, công sức gửi ra nước ngoài để sửa chữa.
Ông Nguyễn Xuân Phát, người làng Phạm Pháo kể: “Từ trước năm 1945 ở đây đã có đội kèn Tây để người ta sình hoạt tôn giáo và xã hội. Trong quá trình đó các đội kèn được hình thành. Việc hình có các đội kèn cũng dẫn đến nhu cầu sửa chữa, vì nhạc cụ khi sử dụng cũng có lúc hỏng, người làng đi sâu vào tỉm hiểu để tự sửa chữa, sau đó nghiên cứu tự chế ra những cây kèn”
Không chỉ sử dụng thành thạo kèn Tây, người làng Phạm Pháo nắm được kỹ thuật sửa kèn, tiến thêm một bước nữa bắt chước làm kèn và dần hình thành nghề làm kèn đồng ở làng quê thuần nông.
Thoạt đầu cũng chỉ có khoảng mươi gia đình trong làng theo nghề làm kèn, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi phong trào thổi kèn ở Nam Định cũng như các tỉnh lân cận phát triển mạnh, có đến 70% các hộ trong làng đã theo nghề làm kèn, hình thành làng nghề làm kèn Tây duy nhất ở Nam Định.
Ông Nguyễn Văn Cường, 59 tuổi là truyền nhân thứ 2 trong gia đình làm nghề kèn đồng. - Ảnh: Ngọc Thành/ vnexpress.net |
Ông Nguyễn Văn Cường là nghệ nhân sinh ra trong gia đình truyền thống có hàng chục năm làm nghề. Với ông nghề làm kèn đồng đến với ông như một cơ duyên. Ông Nguyễn Văn Cường tâm sự: “Cái cơ duyên làm nghề của tôi đúng là cha truyền con nối. Đến đời tôi là đời thứ 4 và cái lớn nhất trong nghề của gia đình chúng tôi là tình người. Những người mang kèn đến đây sửa đều được sủa chữa chu đáo, nên đi đâu người ta cũng quý. Gia đình tôi cũng là gia đình có truyền thống thích âm nhạc, lại tâm phúc với nghề làm kèn này, nên giờ các con tôi lại theo đuổi nghề này”
Hàng ngày những chiếc kèn đồng được chế tác với nhiều chi tiết phức tạp vẫn được làm ra qua bàn tay của những thợ làng Phạm Pháo. Họ là những nghệ sỹ chân đất với đúng nghĩa của nó, vì đến mùa màng họ vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, nhưng khi trở về xưởng sản xuất họ là những nghệ nhân, nghệ sỹ. Có điều lạ là ở làng làm kèn đông Phạm Pháo, hầu hết các công đoạn đều được làm thủ công, ngày cả công đoạn đánh bóng, tạo âm cũng đều được làm bằng tay. Tuy vậy những chiếc kèn Tây ra đời từ đây được nhiều người sử dụng đánh giá cao về chất lượng.
Nghệ sỹ Quyền Văn Minh từng có hơn 3 chục năm gắn bó với gia đình ông Cường và những người thợ làm kèn Hải Hậu, nhận xét: “Chú Cường dưới Hải Hậu là người em, mà tôi quen mấy chục năm nay rồi.Tôi tin rằng những con người như thế sẽ làm ra những chiếc kèn có chất lượng. Những cây kèn đồng sản xuất từ Hải Hậu là những cây kèn mang tinh thần Việt Nam.
Hiếm ở đâu mà nhiều người dân biết thổi kèn đồng như ở làng Phạm Pháo. Theo thống kê sơ bộ, hiện Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý, chừng 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công.
Tuy hằng ngày, người Phạm Pháo là những nông dân một nắng hai sương nhưng mỗi khi có lễ, hội trong xứ đạo thì những người nông dân chân lấm tay bùn ấy lại hóa thân thành những nghệ sĩ kèn Tây và chơi kèn điêu luyện không thua gì những đội kèn chuyên nghiệp
Vào những ngày thánh lễ tiếng kèn của người dân Phạm Pháo vẫn âm vang. Họ thổi kèn vì tình yêu làng quê, vì tình cảm thiêng liêng với niềm tin trong cõi tâm linh nên âm thanh hòa quện luôn xúc động lòng người.