(VOV5) - Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học đã có hàng trăm năm tuổi với những sản phẩm nổi tiếng bền, đẹp được làm từ tre, nứa lấy từ rừng già khu vực Vàng Danh (Uông Bí) và Hoành Bồ.
Nghe âm thanh qua giọng đọc PTV Thanh Tuấn:
Đã có một thời, thuyền mủng hay những chiếc lờ, gọng, nơm, đụt... của làng nghề đan ngư cụ Hưng Học ở phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, được những người làm nghề chài lưới ở nhiều địa phương tìm mua, hàng làm ra không đủ bán. Bây giờ, nghề đan ngư cụ đang đứng trước nguy cơ mai một nhưng những hộ dân ở Hưng Học vẫn đang cố gắng giữ nghề truyền thống.
Hưng Học những ngày tháng 7, dịp người dân làng nghề phơi thuyền nan và ngư cụ, những chiếc thuyền nan úp ngược được phủ lớp nhựa hắc ín đen bóng và nhiều loại ngư cụ ánh lên màu nan cật... luôn gây ấn tượng đặc biệt cho bất cứ ai lần đầu tới đây.
Làng nghề ngư cụ truyền thống Hưng Học đã có lịch sử hơn 400 năm tuổi. Nguồn: VOV- |
Làng nghề đan ngư cụ Hưng Học đã có hàng trăm năm tuổi với những sản phẩm nổi tiếng bền, đẹp được làm từ tre, nứa lấy từ rừng già khu vực Vàng Danh (Uông Bí) và Hoành Bồ (nay thuộc Hạ Long). Nguyên liệu lấy về sẽ được pha thành những sợi dài, sau đó tùy thuộc dùng đan sản phẩm gì thì sẽ được xử lý thích hợp.
Chị Đặng Thị Thắm, phường Nam Hòa) cho biết gia đình đã có 3 đời làm nghề đan ngư cụ với nhiều loại sản phẩm. Tuy nhiên, đan thuyền nan là vất vả nhất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết: “Cần rất nhiều công đoạn như chọn tre, vót nan, đan nan thành mê và cạp thành khuôn thuyền, sau đó bó cốt, sơn nhựa và phơi khô. Trước kia bà con làm đồng cũng mua mủng để đi gặt, nhưng giờ đường đi thuận tiện, mủng, thuyền cũng chỉ bán được cho người đi sông, đi biển. Cuối năm tre già người ta mới thường đi sắm mủng, đầu năm mưa dầm, gió bấc lại là mùa tre non nên không mấy ai mua thuyền, mua mủng.”
Khách du lịch thăm quan và trải nghiệm làm ngư cụ truyền thống tại làng Hưng Học, thị xã Quảng Yên. - Nguồn: VOV |
Anh Vũ Văn Hùng gắn bó với nghề cũng đã gần 30 năm. Làm những chiếc lờ, chiếc nơm… tuy nguyên liệu không quá cầu kỳ nhưng tốn nhiều thời gian mà giá thành chỉ hơn chục nghìn đồng một chiếc nên chẳng lời lãi bao nhiêu. Quyết tâm giữ nghề, vợ chồng anh Hùng dành thời gian làm thuyền nan và áp dụng thêm những tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tăng độ bền của sản phẩm.
Anh Hùng chia sẻ dù thu nhập không nhiều nhưng sẽ cố gắng duy trì bởi đây là nghề truyền thống của gia đình:“Nghề này trước kia cũng đông người làm, nhưng giờ lớp trẻ cũng đi làm công nhân hết. Giờ hầu như chỉ còn những người già không có việc thì họ làm. Do là nghề truyền thống nên gia đình vẫn giữ lấy nghề, để đảm bảo thu nhập thì tôi vẫn đan thuyền, làm ngư cụ để bán còn vợ thì đi làm công nhân.”
Gắn bó với đời sống lao động của người dân vùng sông nước Bạch Đằng và ven biển Quảng Ninh đã hàng trăm năm nhưng đến nay, làng nghề ngư cụ Hưng Học đang đứng trước nguy cơ mai một. Số hộ gia đình và số lao động tham gia hoạt động làng nghề giảm đi rõ rệt. Nếu như năm 2011, có tới 245 hộ tham gia sản xuất ngư cụ thì đến nay chỉ còn 65 hộ. Cũng giống như rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, sản phẩm của làng nghề Hưng Học đang dần mất chỗ đứng trên thị trường bởi các sản phẩm được sản xuất công nghiệp.
Để tự tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng phát triển mới cho làng nghề, một số nghệ nhân đã sáng tạo các sản phẩm lưu niệm có mẫu mã đẹp, mang đặc trưng của làng nghề nhằm phục vụ khách du lịch. Theo ông Lê Minh Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Quảng Yên, việc bảo tồn các giá trị làng nghề truyền thống Hưng Học cũng được thị xã Quảng Yên tính đến trong Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2021-2025:“Chúng tôi cũng đã thẩm định và đưa các sản phẩm mô hình của làng nghề thành sản phẩm lưu niệm và bán cho khách du lịch và có gắn thương hiệu sản phẩm OCOP (mỗi làng một sản phẩm) của địa phương. Cùng với đó chúng tôi lập Đề án để phát triển sản phẩm làng nghề trong đó chú trọng các sản phẩm phục vụ khách du lịch, chỉnh trang lại làng nghề để khách du lịch tham quan. Từ đó, thu hút, mời gọi các doanh nghiệp vào để phát triển những sản phẩm hàng hóa mới dựa trên những tay nghề tinh hoa sẵn có của làng nghề.”
Gìn giữ những giá trị của làng nghề đan ngư lưới cụ Hưng Học là trách nhiệm không chỉ của những người con làng nghề mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền, địa phương. Cùng với những giải pháp, định hướng của địa phương, những lớp nghệ nhân của làng nghề đang nỗ lực từng ngày, truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng và đổi mới phương thức sản xuất để những giá trị tinh hoa mà cha ông để lại còn mãi với thời gian.