(VOV5) - Mới đây, nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng Trà Đông, xưa kia gọi là Sơn Trang, tên nôm là Kẻ Chè, một vùng đất cổ cách tỉnh lỵ Thanh Hóa 12 km về phía Tây Bắc, nằm trong địa vực của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. 20 năm cuối thế kỷ XX, làng nghề đúc đồng Trà Đông trở nên sa sút vì hàng hóa không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp cùng loại. Tuy nhiên, nhờ tâm huyết của những nghệ nhân còn yêu nghề tiếc nghề, nghề đúc đồng Trà Đông dần được khôi phục. Các sản phẩm làm ra vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng mà không nơi nào sánh được và mới đây, nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông hoàn thiện sản phẩm trống đồng. - Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Đến làng Trà Đông ngày nay, giữa khói bụi than lửa, ta sẽ thấy được các nghệ nhân đúc đồng nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc. Họ như những nghệ sĩ tài hoa đang cháy hết mình để thổi vẻ đẹp của đất và người vào những sản phẩm đồng. Làng nghề đúc đồng Trà Đông không chỉ là nơi lưu giữ kỹ thuật đúc đồng truyền thống độc đáo của cả nước mà còn là địa chỉ du lịch làng nghề thu hút đông đảo du khách gần xa.
Hiện nay, làng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông đang duy trì 25 lò đúc lớn. Làng có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân này đã có công lớn trong việc phục dựng, làm sống lại và phát triển nghề đúc đồng cổ truyền.
Những lò đúc đồng của làng Trà Đông - Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương cho biết để làm ra một tác phẩm đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn: “Quá trình làm khuôn đúc thì có rất nhiều công đoạn, từ đắp lên khuôn rồi sau thì se thành hình, tạo hình rồi làm hoa văn rồi nung đốt, cuối cùng đến lúc nấu đồng rót vào khuôn xong được sản phẩm thì lúc đó mới đem ra làm nguội. Những quá trình đó cũng rất lâu.”
Theo nghệ nhân Lê Văn Đạo, công đoạn làm khuôn rất quan trọng vì nó quyết định chất lượng của sản phẩm sau này. Khuôn phải được nung trước khi đúc và việc điều chỉnh nhiệt độ khi nung khuôn là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ phải giàu kinh nghiệm, căn chỉnh thời gian, nhiệt độ sao cho khuôn vừa độ chín để không bị nứt và xước: “Trước tiên, ta phải đi tìm đất và chọn đất thật tốt, phơi khô rồi mang ra ngâm sau đó cho cùng với trấu ít hôm cho nó mềm trấu ra rồi đem ra đắp khuôn. Trong thời gian đắp thì mình cũng phải vỗ cho chắc khuôn thì đến lúc đem ra làm nó mới bảo đảm.” – Ông Đạo nói.
Hoa văn tinh xảo trên chiếc trống đồng. - Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Dương cho biết ngày nay một số công đoạn sản xuất của làng nghề Trà Đông đã được hỗ trợ bằng máy móc. Tuy nhiên, các công đoạn làm khuôn, nấu nguyên liệu, đổ đồng, làm nguội vẫn cần bàn tay trực tiếp của con người. Việc chế tác đồng cơ bản vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống cha truyền con nối qua nhiều thế hệ: “Để phát triển và giữ được nghề là phải có tâm. Thứ hai, phải có một đức tính thật kiên trì thì mới có thể giữ vững được nghề.”
Làng Trà Đông sản xuất ra nhiều sản phẩm như trống đồng, chiêng đồng, đồ thờ, lư hương…, trong đó tác phẩm Trống Đồng được coi là thế mạnh và độc đáo nhất. Thông thường đúc trống đồng một mặt đã khó nhưng năm 2012, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu còn làm một việc khó hơn là đúc chiếc trống hai mặt. Đúc trống đồng hai mặt khác hoàn toàn với đúc trống đồng truyền thống và đây là thách thức lớn bởi từ trước tới nay, làng nghề chưa có ai đúc thử cả: “Về kỹ thuật của khuôn đúc trống hai mặt thì khó hơn nhiều. Tôi làm cái đầu tiên ở Việt Nam vì nó là biểu tượng cho những cái sau, nó đã chứng minh rằng có thể làm được mọi thứ bằng đồng” – Ông Châu cho biết.
Chiếc trống đồng hai mặt được coi là niềm tự hào của làng Trà Đông. Những kỹ thuật tinh xảo trong việc làm khuôn đúc đồng luôn được các thế hệ gìn giữ và trao truyền như chia sẻ của nghệ nhân ưu tú Đặng Ích Hoàn: “Tôi được ông bà rồi bố mẹ liên tục chỉ dẫn cách thức làm khuôn đất. Đến đời tôi, đời con tôi sáng tạo ra những mặt hàng mới để làm cho thị trường trong và ngoài nước ngày càng phát triển”
Yêu thích các sản phẩm của làng đúc đồng Trà Đông, ông Nguyễn Văn Thạch, ở tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao sự sáng tạo và niềm đam mê nghề của các nghệ nhân nơi đây: “Đến với làng đúc đồng Trà Đông, tôi rất trân trọng nghề đúc đồng truyền thống này. Không những nó có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt văn hóa, tâm linh. Tôi mong muốn tất cả nghề đúc đồng này vẫn tiếp tục được phát huy, tồn tại.”
Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự phát triển của các ngành nghề công nghiệp hiện đại nhưng nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông vẫn có sức sống bền vững bởi nơi đây có những nghệ nhân luôn đau đáu với nghề, muốn lưu giữ lại hồn cốt của văn hóa nghìn đời