Mông Sơn sớm cán đích nông thôn mới

(VOV5) - Hệ thống đường điện, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi đã và đang được đầu tư nâng cấp, xây mới. Sau 5 năm nỗ lựcthực hiện chương trình  xây dựng xây nông thôn mới, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ cán đích xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015 này. 


Mông Sơn sớm cán đích nông thôn mới - ảnh 1

Làm đường giao thông vào bản


Nghe nội dung bài viết tại đây:





Mông Sơn là một xã nông  nghiệp ven bờ hồ Thác Bà, có diện tích đất tự nhiên trên 4.500 héc ta, nhưng trong đó diện tích bị ngập nước trên 2.800 héc ta. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông. Thế nhưng sau 5 năm, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung tay, chung sức người dân, những tuyến đường liên xã, liên thôn như: đường Làng Cạn, đường Giang Sơn, đường Trung Sơn…đều đã được rải nhựa, bê tông hóa theo đúng tiêu chuẩn, thay thế những con đường đất đỏ sình lầy trước đây.  Chị Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Trung Sơn, một trong những hộ hiến nhiều đất cho làm đường ở giao thông nông thôn ở xã Mông Sơn cho biết: Không chỉ gia đình chị, mà hầu hết các hộ gia đình trong xã đều tự nguyện đóng góp đất đai, công sức để xây dựng các tuyến đường: “Cảm thấy chương trình xây dựng nông thôn mới  phù hợp thì gia đình tôi tự nguyện hiến thôi. Để cho tập thể làm cái đường này cho xe máy, ô tô đi lại được thuận tiên, dễ đi”.

Hưởng ứng các phong trào phát triển kinh tế do xã phát động, người dân Mông Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 3 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn, 2 cơ sở dịch vụ tàu thuyền cùng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.  Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, ở thôn Làng Cạn là một điển hình. Trước đây, gia đình anh chỉ trông vào vài sào ruộng, cộng với nguồn thu ít ỏi từ nghề đánh cá trên hồ Thác Bà nên gặp nhiều khó khăn. Khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, anh tiếp cận, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đây, anh bỏ nghề đánh cá, chuyển sang trồng cây ăn quả với 200 gốc cây thanh long ruột đỏ; trên 100 gốc táo Đại Đường; 50 gốc bưởi Đoan Hùng... có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra anh còn nuôi ong lấy mật, nuôi lợn thịt. Đến thời điểm này, gia đình anh đã thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ: “ Trước kia khi đánh bắt cá trên thì cuộc sống rấ bấp bênh, lên bờ là hết tiền thôi. Từ khi tôi tìm hiểu việc trồng cây cối, bây giờ cuộc sống gia đình tôi tạm ổn, nông nhàn hơn trước kia”.

Qua gần 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mông Sơn đã huy động trên 176 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới , trong đó ngân sách từ Trung ương và địa phương chiếm hơn 15% , còn lại hơn 80% là huy động từ các doanh nghiệp, người dân theo hình thức đóng góp bằng tiền mặt , ngày công, vật liệu  xây dựng và người dân hiến đất. Từ nguôn kinh phí này nhân dân đã mở mới 18 đường liên thôn, bản  với tổng chiều dài gần 20 km, xã Mông Sơn cũng đã xây được 8 nhà văn hoá các thôn xã kiên cố. Cùng với đó hệ thống công trình thuỷ lợi toàn xã được xây dựng khang trang. Đến nay Mông Sơn đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Mông Sơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các ban ngành đặc biệt kết hợp với các nhà trường làm sao cố gắn xây dựng hệ thống trường học để đảm bảo đạt được tiêu chí tiếp theo về văn hoá giáo dục . Chúng tôi sẽ tiếp tục xây thêm 2 nhà văn hoá thôn xã trong năm nay”.

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương , dự kiến cuối năm nay, Mông Sơn sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và sẽ là xã đầu tiên của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cán đích, hoàn thành đầy đủ  các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Phản hồi

Các tin/bài khác