Mường La viết tiếp truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng

(VOV5) - Những ngày tháng 8 lịch sử, người dân Mường La (Sơn La) càng thêm tự hào khi nhớ về thắng lợi vẻ vang của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền 77 năm về trước. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Thắng lợi ấy là nguồn lực tinh thần, cổ vũ cho người dân Mường La vững tin trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Mường La ngày một giàu đẹp.

Mường La viết tiếp truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng - ảnh 1Một góc trung tâm huyện Mường La hôm nay. Ảnh: Báo Sơn La

Dù đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ký ức về truyền thống vẻ vang của địa phương trong những năm tháng kháng chiến vẫn in đậm trong tâm trí ông Quàng Văn Lẻ, sinh năm 1932. Ông từng là Bí thư Đảng ủy xã Mường Chùm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1981. Ông nhớ lại: thời gian nhân dân Mường Chùm vào lũng Đán Đanh lập căn cứ cách mạng khi ông mới hơn 10 tuổi. Dù còn nhỏ, nhưng ông cũng cảm nhận được khí thế cách mạng lúc bấy giờ qua việc nhân dân ở các bản trong xã bỏ lại nhà cửa để vào rừng ở làm cơ sở cho cách mạng. Đặc biệt, một số thanh niên đã xung phong vào các đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu: “Ngày ấy, nghe các bác các anh kể lại tinh thần cách mạng của nhân dân hăng hái lắm. Nhân dân Mường Chùm và những vùng xung quanh cùng quân giải phóng, dân quân du kích đi đánh giặc.”

Trong những năm kháng chiến chống thực dân pháp và chống Mỹ cứu nước đã có biết bao thế hệ người dân Mường Chùm xả thân vì nền độc lập dân tộc. Xã Mường Chùm được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Truyền thống cách mạng đó đang được viết tiếp trong công cuộc xây dựng quê hương phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lường Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chum, cho biết năm 2018 xã Mường Chùm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, Đảng bộ tiếp tục ban hành Nghị quyết lãnh đạo xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,68 %.

Mường La viết tiếp truyền thống cách mạng trên quê hương anh hùng - ảnh 2Những ngôi nhà ở Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nhật Tân

Nhiệm kỳ này đảng bộ xã Mường Chùm xác định hai khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra: “Một là phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; xác định các loại cây trồng chủ lực của xã tập trung chuyên canh gắn với chế biến phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước. Thứ hai là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao.” - Ông Hồng khẳng định.

Xã Nậm Păm, huyện Mường La cũng từng là địa bàn hoạt động bí mật của các cán bộ cách mạng thời kỳ trước cách mạng tháng Tám. Suốt những năm kháng chiến, nhân dân Nậm Păm đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng. Năm 2003, Nậm Păm được Nhà nước Phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Quàng Văn Loa, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Lãnh đạo kiên quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Vận động bà con nhân dân thay đổi về cơ cấu kinh tế, chuyển đổi từ đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng cây trồng, cây bưởi, cây xoài, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 đạt xã nông thôn mới.”

Cơn lũ lịch sử năm 2017 đã khiến 8 trên 11 bản làng của Nậm Păm tan hoang. Hàng trăm gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng với truyền thống anh dũng. Giờ đây, Nậm Păm đã hồi sinh một minh chứng rõ nét là những nền ruộng bị đá sỏi vùi lấp sau lũ ngày nào từ bàn tay cần cù lao động và ý chí vượt khó, nay đã khoác lên màu xanh của lúa mới.

Ông Lò Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ bản Ít xã Nậm Păm, huyện Mường La cho biết: “Chúng tôi vận động bà con cải tạo đất thu gom đá sỏi, khôi phục lại ruộng lúa mỗi năm nhân dân trong bản cấy 2 vụ vụ chiêm xuân trồng nếp 87 vụ mùa thì trồng nếp tan,  đặc biệt giống nếp tan địa phương cho năng suất tốt, không chỉ giúp bà con có lương thực ổn định mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa giúp bà con có thêm thu nhập rất ổn định cuộc sống dưới mương bàn.”

77 năm trôi qua vùng quê cách mạng Mường La cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La đang ngày một đổi thay. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đập tan ách cai trị của thực dân Pháp, lật đổ chế độ phong kiến. Những trang sử hào hùng đó sẽ luôn là động lực để nhân dân Sơn La phát huy truyền thống cách mạng chung sức đồng lòng dựng xây quê hương ấm no và hạnh phúc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác