(VOV5)- Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn Nam Định đã có nhiều khởi sắc. Hàng nghìn công trình hạ tầng, đường giao thông nông thôn, cầu cống, đường làng, ngõ xóm…được xây dựng khang trang. Để có sự thay đổi như hiện nay, tỉnh Nam Định chọn cách xây dựng nông thôn mới từ thôn xóm, dựa vào sức mạnh cộng đồng, lấy dân làm gốc.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Đến nay, trong số 96 xã của Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới, đã có 12 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí, trong đó 100% số xã, thị trấn hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “dân làm, nhà nước hỗ trợ”, tỉnh Nam Định vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi, thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. Gia đình ông Phạm Văn Ngọ, ở thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng xây dựng trường học, tu bổ nghĩa trang và đóng góp xây dựng đường nông thôn. Ông Phạm Văn Ngọ tâm sự: “ Đóng góp xây trường học để con em trong làng yên tâm có nơi học hành, có một tương lai lâu dài. Còn đóng góp xây dựng nghĩa trang, đình chùa để an dân để “đẹp làng, đẹp xóm, đẹp cả thôn trang. Đó là lý do tôi muốn đóng góp vì cả cuộc đời này cũng chỉ để lại một dấu ấn đó mà thôi”
Một trong những tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đó là quy hoạch phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Việc mở rộng, bê tông hoá các con đường giao thông nông thôn không chỉ tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, mà còn tạo tiền đề để đưa máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Ý thức được tầm quan trọng của tiêu chí này, nhiều người dân ở tỉnh Nam Định đã tự nguyện hiến đất phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Tào ở thôn An Lãng, xã Trực Chính, người đã hiến 860 mét vuông đất nông nghiệp, chia sẻ: “ Việc hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tôi chỉ hiểu một cách đơn giản là mình cần có trách nhiệm với địa phương, đó là nghĩa vụ của công dân. Mình làm nghĩa vụ nhưng mình được trực tiếp hưởng lợi từ nghĩa vụ mình làm”
Nhân dân xóm 6, xã Tam Thanh (Vụ Bản) đóng góp công sức, tiền của làm đường giao thông nội đồng
Song song với xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Nam Định đặc biệt chú trọng chuyển đổi, phát triển ngành nghề để tăng thu nhập, giúp người dân thoát nghèo từ chính đồng đất quê hương mình. Điển hình như nghề trồng hoa cây cảnh ở xóm Tiên Phong, xã Nam Mỹ, huyện Nam Trực. Ông Nguyễn Tiến Trúc, xóm trưởng xóm Tiền Phong 2, xã Nam Mỹ, cho biết: đến nay đã có 90% số hộ trong xóm trồng hoa cây cảnh. So với trồng lúa, thu nhập từ nghề trồng hoa cây cảnh tăng gấp 5 đến 10 lần. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Kinh tế từ nghề trồng hoa cây cảnh đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo ở đây chỉ còn 5%. Ông Nguyễn Tiến Trúc, cho biết: “ Duy trì nghề trồng đào hoa cây cảnh ở địa phương là cách làm chắc chắn nhất để thoát nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Nếu rời cây đào ra thì chắc chắn cái nghèo sẽ quay trở lại. Đất trồng lúa của chúng tôi hiện chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp. Với thị trường đào hoa cây cảnh hiện nay nới rộng chuyển đổi cơ cấu cây trồng thêm một chút nữa thì sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định, cho biết: trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định rất coi trọng tiêu chí dồn điền đổi thửa, coi đây là khâu then chốt trong việc xây dựng nông thôn mới. Sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa, các địa phương có điều kiện xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, từng bước phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững, nhằm mục tiêu chủ yếu là tăng thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng mà trước hết phải sản xuất, tạo ra nguồn lực, tạo ra đời sống vật chất ngày càng cao cho nông dân. Trên cơ sở đó tạo được lòng tin trong dân, huy động được sự đóng góp của dân cho các chương trình, cho các nội dung xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi xác định không làm vội, chúng tôi làm chắc và xác định xây dựng nông thôn mới là lâu dài”.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tỉnh Nam Định tiếp tục huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở phát huy nguồn lực địa phương, sự chung tay góp sức của người dân, tỉnh Nam Định phấn đấu 100% xã hoàn thành đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015./.