(VOV5) - Chính quyền triển khai mạnh những nhóm giải pháp tổng thể để xây dựng nông thôn mới chất lượng cao hơn, bền vững hơn.
Sau gần 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên toàn quốc cảnh quan, môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn từng bước được nâng cao.
Những biến chuyển này là động lực để người dân tiếp tục chung sức xây dựng làng quê trù phú, văn minh và đáng sống hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đời sống người dân thôn Ba Nhà được cải thiện nhờ mô hình kinh tế vườn. - Ảnh:daibieunhandan.vn |
Gia đình anh Trần Đăng Hữu ở thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội, đón năm mới trong không khí phấn khởi, tự hào khi làng quê, gia đình mình đổi thay nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Anh Hữu chia sẻ: Chính từ sự bàn bạc, hướng dẫn và hỗ trợ tận tình của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chuyển đổi sản xuất, phát triển vườn cây ăn quả mà thu nhập của người dân được nâng cao, kinh tế đều phát triển: "Đường xá, trường học, trạm y tế, an sinh xã hội, đời sống người dân dần dần được cải thiện. Nhân dân rất ca ngợi và ủng hộ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mà đặc biệt thôn Ba Nhà chúng tôi được hưởng thụ, không biết nói gì chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước và Chính phủ."
Tại xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Thuận ở thôn Yên Mỹ, chia sẻ kinh tế vườn nơi đây đã giúp người dân đổi đời. Như gia đình nhà chị Thuận, với đàn lợn, đàn gà, từ vườn cây, hàng năm gia đình có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Tất cả những thay đổi này đều bắt nguồn từ xây dựng nông thôn mới: "Có chủ trương xây dựng nông thôn mới thì từ dân đến thôn xóm là tích cực. Công rồi của bỏ ra, đem lại kết quả như hiện tại là rất thành công và mỹ mãn. Trước hết là cảnh quan sạch sẽ, môi trường thoáng đãng."
Ở các địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, cả nước đã có trên 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã; Có 111 đơn vị cấp huyện thuộc 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết: Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước 1 năm rưỡi và vượt mục tiêu 10 năm giai đoạn 2010 – 2020: "Kết quả của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nó không chỉ là vượt mục tiêu về mặt số lượng, mà quan trọng hơn là trong giai đoạn 2, 2016-1018, Chương trình đã đi vào những nội dung cốt lõi. Như là vấn đề về phát triển sản xuất, hỗ trợ thu nhập người dân, vấn đề về môi trường, vấn đề về văn hóa.. Đối với những nội dung trọng tâm đó, Thủ tướng Chính phủ đều có những Đề án riêng, để thúc đẩy về cơ chế chính sách, những giải pháp để làm sao Chương trình nông thôn mới đi vào chiều sâu, đi vào thực chất."
Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Nghiên cứu Các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng nếu như không có Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ không có được vùng nông thôn như ngày nay với sự thay đổi vượt bậc cả về diện mạo làng quê, lẫn nhận thức của người dân: "Có thể thấy rằng người dân nông thôn bây giờ quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển chung của cộng đồng. Đã có rất nhiều mô hình, người dân hiến đất, đóng góp công sức, đóng góp các thành quả cho xây dựng nông thôn mới. Mà nếu như không có công cuộc xây dựng nông thôn mới thì chúng ta không có những hành động như vậy."
Mô hình kinh tế vườn tại thôn Yên Mỹ, xã Cẩm Yên. - Ảnh: camxuyen.hatinh.gov.vn
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thu nhập người dân khu vực nông thôn dù đã tăng 3,5 lần so với 10 năm trước, trong giai đoạn tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh những nhóm giải pháp tổng thể để xây dựng nông thôn mới chất lượng cao hơn, bền vững hơn: "Làm sao tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ từ thể chế, cơ chế, từ nguồn lực, từ tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Với phương châm, cả 3 khu vực, một khu vực nhà nước đó là hệ thống chính trị; khu vực thứ 2 là các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp; khu vực thứ 3 là người dân tham gia. Ba khu vực đó cùng đồng hành thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới chúng ta mới thành công."
Tinh thần quyết tâm, những giải pháp cụ thể và bài học kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm thực hiện, là nền tảng để các địa phương trong cả nước tiếp tục vượt khó, triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tốt hơn, thực chất và vững bền hơn trong những năm tiếp theo.