(VOV5) - Sau nhiều thăng trầm, cây cà phê Sơn La đã khẳng định được thương hiệu và có giá trị kinh tế cao.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phát triển dòng sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nâng tầm thương hiệu và từng bước chiếm lĩnh thị trường tiềm năng trong nước, quốc tế... đây là những định hướng chính mà tỉnh Sơn La xác định, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của cây cà phê - một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Cà phê Sơn La được trồng tập trung ở 3 vựa chính đó là các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Ảnh: VOV |
Cà phê Sơn La được trồng tập trung ở 3 vựa chính đó là các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Sau nhiều thăng trầm, cây cà phê Sơn La đã khẳng định được thương hiệu và có giá trị kinh tế cao. Gia đình anh Chung hiện có 1,2 ha cây cà phê, dự kiến năm nay anh thu trên 20 tấn quả và với giá bán từ 7-8 nghìn đồng/1kg quả tươi như hiện nay, anh sẽ thu về trên 150 triệu đồng.
Anh Lường Văn Chung, bản Tường Chung, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết: "Bà con chúng tôi di chuyển lên đây từ năm 2016, được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp đất cho mỗi 1 khẩu cũng được khoảng 3000m2. Nói về giá trị kinh tế của cây cà phê đối với bà con nói chung là ổn định. Có những hộ thu được từ 25 đến 30 tấn/1 năm."
Không chỉ có các hộ gia đình trồng cà phê, trên địa bàn tỉnh Sơn La hình thành mạng lưới các Hợp tác xã, các doanh nghiệp cùng duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Cà phê Bích Thao Sơn La, cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, HTX đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ.
Hướng đi này là “đòn bẩy” giúp HTX có những sản phẩm chất lượng cao, như: cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê... Trong đó, Cà phê bột nguyên chất của HTX là sản phẩm duy nhất của tỉnh thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Ông Nguyễn Xuân Thao cho biết: "Cà phê giống mới đã được nghiên cứu là chống được biến đổi khí hậu, kháng được bệnh, gen của nó 100% là cà phê arabica (cà phê chè). Nhận thấy nhu cầu từ trong nước đến thị trường châu Âu đều ưa chuộng cà phê đặc sản, từ năm 2018, HTX đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho thành viên HTX; đón đầu phương pháp chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà xuất khẩu, giá trị cao hơn, thân thiện với môi trường."
Cà phê Sơn La bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: VOV |
Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La cũng là một trong những đơn vị sản xuất cà phê chất lượng cao từ những hạt cà phê Arabica của Sơn La. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua và chế biến khoảng 20.000 tấn cà phê tươi. Ông Vũ Ngọc Huy, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu của công ty cho biết, khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Sơn La, công ty đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ về cây cà phê ở đây.
Theo đó, Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê arabica lớn trong nước, tuy nhiên, do một số yếu tố về canh tác và sản xuất, chất lượng cà phê chưa tương xứng với tiềm năng. Để nâng cao giá trị cà phê Sơn La, công ty đã tập trung khắc phục những điểm này: "Công ty sản xuất dòng cà phê chất lượng cao là cà phê Blue Sơn La, nên nguyên liệu cà phê chất lượng cao rất quan trọng. Từ năm 2018 khi thành lập nhà máy, công ty đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu; thực hiện các chương trình liên kết với bà con nông hộ để xây dựng được vùng nguyên liệu; tư vấn, phát triển cho bà con về kỹ thuật canh tác..." - Ông Huy cho biết.
Sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/ năm. Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 1 sản phẩm cà phê đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2021; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.
Cùng với phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Sơn La đã và đang có những định hướng, mục tiêu vả giải pháp chiến lược để nâng tầm thương hiệu, nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: "Tỉnh tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê cho ra sản phẩm chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. Đồng thời, tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ và chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu cà phê ổn định trên địa bàn tỉnh, trong nước và thế giới; liên kết vùng trồng với các nhà máy chế biến; nông hộ, nông dân, HTX liên kết ký hợp đồng trồng và theo quy chuẩn."
Từ “sứ mệnh” xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.