Nghề “kết duyên” cho mây, tre ở vùng cao Ngọc Chiến

(VOV5) - Nghề mây tre đan từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà con ở Ngọc Chiến.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
 

Không ai nhớ, nghề mây, tre đan có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những kinh nghiệm đan lát truyền thống được người dân Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, gìn giữ, truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Đặc biệt khi Ngọc Chiến trở thành điểm đến hấp dẫn thì nghề mây, tre đan cũng từng bước trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.    

Nghề “kết duyên” cho mây, tre ở vùng cao Ngọc Chiến - ảnh 1Tới nhiều bản làng trên rẻo cao Ngọc Chiến, không khó để bắt gặp hình ảnh những gia đình ngồi quây quần bên nhau dưới hiên nhà sàn say sưa đan lát. Ảnh: VOV

Tới nhiều bản làng trên rẻo cao Ngọc Chiến, không khó để bắt gặp hình ảnh những gia đình ngồi quây quần bên nhau dưới hiên nhà sàn say sưa đan lát. Từ đôi bàn tay khéo léo, những sợi mây, thanh tre được kết thành chiếc gùi, chiếc ghế, ép khảu… những vật dụng hết sức bình dị, thân thuộc trong cuộc sống thường nhật.

Nghề làm mây tre đan không rực sắc màu như se lanh dệt vải, sản phẩm làm ra có thể chưa tinh xảo như nghề rèn nông cụ, gốm sứ, thế nhưng công việc này cũng hội tụ đủ những đức tính khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ và dẻo dai của con người Ngọc Chiến. Từ khâu chọn tre, trúc hay mây, cho đến công đoạn chẻ nhỏ, chuốt thành sợi, ngâm nước rồi đan… Trung bình, để đan một sản phẩm gùi, ép khảu sẽ mất khoảng 1 ngày; đan mâm mây, ghế mây sẽ từ 4 - 5 ngày.  

Ông Lò Văn Bao, một trong những người làm nghề đan lát truyền thống ở bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, chia sẻ đây là công việc chính và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình: Nhà tôi có 2 vợ chồng làm, làm ghế mây, đan gùi. Mỗi tháng làm được khoảng 20 cái, mỗi cái bán được từ 130 – 140 nghìn đồng. Vào mùa thu ngô, người Mông cần lấy nhiều thì gùi được giá hơn, từ 150 – 160 nghìn đồng/chiếc.”

Nghề “kết duyên” cho mây, tre ở vùng cao Ngọc Chiến - ảnh 2Để làm được một sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và dẻo dai của người Ngọc Chiến. Ảnh: VOV

Nghề mây tre đan từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà con ở Ngọc Chiến. Những cụ ông, cụ bà dù đã qua độ tuổi thất thập vẫn cặm cụi gắn bó với nghề. Những đứa trẻ từ khi lên mười đã thoăn thoắt tay đưa đan tre. Chính điều đó đã giúp cho nghề truyền thống của Ngọc Chiến được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.

Anh Lò Văn Thư, bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến, chia sẻ: “Bản thân tôi vừa học làm thôi. Mình chưa có việc làm, thì mình học ông bà, cha mẹ để giữ bản sắc dân tộc, vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mình học làm sau này còn dạy lại cho con cháu sau này nữa.”

Hiện ở Ngọc Chiến có hơn 300 hộ gia đình gắn bó với nghề mây, tre đan, tập trung ở các bản: Nà Tâu, Đông Xuông, Lọng Cang, Mường Chiến, bản Lướt, Nậm Nghiệp…  Thời gian qua, để gìn giữ và phát triển nghề mây, tre đan, xã Ngọc Chiến đã vận động người cao tuổi trong xã biết nghề truyền nghề cho con, cháu; thành lập các nhóm hộ từ 5 - 10 hộ/nhóm, giúp đỡ nhau về kỹ thuật. Đặc biệt, là định hướng phát triển nghề mây, tre đan gắn với tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. 

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, cho biết: “Nghề mây tre đan là một trong những nghề thủ công đặc biệt, đặc sắc của Ngọc Chiến. Giữ nghề, một là gìn giữ được văn hóa của cha ông để lại, hai là tạo được sản phẩm thu hút khách du lịch. Chủ trương của xã sẽ thành lập HTX Mây tre đan; lựa chọn nhà văn hóa cộng đồng bản Lướt, để sau này các hộ sẽ đến để trực tiếp thực hiện quy trình làm ra một sản phẩm thủ công, thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm; đồng thời, tạo nên sản phẩm bán cho khách du lịch, mang lại thu nhập cho người dân.”

Những vật dụng thân thuộc từ mây, tre đan vẫn hiện hữu  trong cuộc sống thường nhật, là minh chứng cho tâm huyết của người dân Ngọc Chiến trong việc giữ lửa nghề truyền thống. Với nhiều du khách, được tự tay “kết duyên” cho mây, tre cũng sẽ là một trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ khi có dịp ghé thăm vùng cao Ngọc Chiến./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác