(VOV5) - Vị ngọt, đượm hương của quả lê đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Đồng bào dân tộc Mông tại xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đang vào mùa thu hoạch quả lê. Gần 10 năm trước, từ diện tích vườn đồi trồng cây kém hiệu quả, đồng bào nơi đây đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây lê. Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, chăm sóc, giờ đây những vườn lê trĩu quả, hương vị ngọt đượm, đã thu hút hàng nghìn du khách tới thăm quan, trải nghiệm, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân tại địa phương.
Lê Giang Ma đã được cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cấp bằng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài tại đây:
Với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ quanh năm, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được đánh giá là vùng đất tiềm năng để trồng các loại cây ăn quả ôn đới như: đào, lê, mận. Khai thác lợi thế sẵn có, nhiều năm nay chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các bản tích cực chuyển đổi diện tích đất vườn, đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, xã có hơn 120ha cây ăn quả, trong đó có 50ha lê, tại 7/9 bản, đang cho thu hoạch.
Bước vào mùa thu hoạch lê chính vụ cũng là lúc bà con ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, mở cửa vườn đón du khách. Năm nay, diện tích trồng lê được chăm sóc tốt nên sai quả, vị ngọt đượm... Anh Giàng A Phử, Chủ vườn lê ở bản Giang Ma, chia sẻ: Vườn lê của gia đình trồng cách đây 8 năm (năm 2016) và có hơn 120 gốc đã cho thu hoạch. Những năm trước, sản lượng bán ra được khoảng hơn 4 tấn và giá bán trung bình khoảng 20 nghìn đồng (gần 1 USD)/kg. Năm nay lê được mùa, giá bán cũng cao hơn và du khách đến thăm qua đông nên thu nhập của gia đình cũng tăng lên: “Trồng ngô và trồng lúa không hiệu quả mấy, từ khi trồng cây lê đã cho hiệu quả và kinh tế cao hơn. Du khách đến thăm quan, trải nghiệm trong vườn để hái quả lê và quả lê cũng ngọt và ngon nên mọi người rất yêu thích. Sau này, tôi và bà con trong bản sẽ đầu tư chăm sóc thêm để cây lê phát triển tốt hơn”.
Du khách đến thăm và trải nghiệm vườn lê tại bản Giang Ma. Ảnh: VOV |
Đến thăm và trải nghiệm vườn lê tại bản Giang Ma, chị Nông Quý Hương, du khách đến từ thủ đô Hà Nội, chia sẻ: “Chúng ta cứ mải mê đi khám phá những phong cảnh hùng vĩ, đi những homestay hoặc các bãi biển, nhưng ít ai có thể nghĩ được trải nghiệm ở những vùng nông nghiệp như thế này. Mọi người lên đây sẽ được gặp gỡ, giao lưu với những người dân chân chất vàcảm nhận thành quả lao động vất vả của người dân nơi đây. Đặc biệt, là vào vườn lê, mọi người có thể thấy những sản phẩm nông nghiệp của người dân cũng có thể là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Mới đây, huyện Tam Đường đã tổ chức Ngày hội hái lê lần thứ I năm 2024. Ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, như: thu hoạch lê, gọt lê nghệ thuật, giới thiệu, trưng bày mâm quả lê và các gian hàng nông sản địa phương đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự. Đặc biệt, tại lễ hội, tỉnh Lai Châu đã trao bằng chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm nông nghiệp (OCOP) 3 sao cho sản phẩm quả lê của địa phương.
Ông Ma A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma, cho biết: “Xã có hướng phát triển cây lê gắn với phát triển nông nghiệp đặc trưng và phát triển du lịch cộng đồng. Với cây lê ở địa phương có 2 vụ là mùa hoa và mùa quả đã hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Xã sẽ chỉ đạo bà con nông dân tạo tán, tía cành, chăm sóc cây thật tốt, làm sao để cây đẹp, khỏe, hấp dẫn du khách và có quả to, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho bà con”.
Vị ngọt, đượm hương của quả lê đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân ở xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Để cây lê và các cây ăn quả ôn đới khác phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đang có kế hoạch mở rộng diện tích gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Đây là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao giá trị và thương hiệu cây trồng trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.