Người dân U Minh giữ vườn dâu Cái Tàu, giữ lại nét xưa để phát triển du lịch

(VOV5) - Vườn dâu Cái Tàu nay đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Các vườn dâu ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, tiếp giáp với rừng U Minh Hạ và nằm dọc theo sông Cái Tàu. Các vườn dâu này tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua, với nhiều cây dâu cổ thụ, mang dấu ấn thời gian của vùng đất phương Nam xưa. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Cây dâu (hay còn gọi là cây dâu da đất, cây dâu vàng), có nguồn gốc từ Malaysia nhưng đã du nhập và lan rộng ra các nước Đông Nam Á từ rất lâu. Ở Việt Nam đây là loài cây ăn quả đặc biệt chỉ có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó vườn dâu Cái Tàu chiếm diện tích lớn nhất. Đặc trưng của dâu Cái Tàu là trái to, mọng nước, vị ngọt, chua nhẹ, khi chín có màu vàng nhìn rất đẹp mắt. Những năm qua, người dân ở khu vực rừng U Minh Hạ chuyển đổi nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng cũng có những hộ dân vẫn giữ lại cây dâu, nét đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn.

Dâu Cái Tàu trổ bông thường chín vào đúng dịp lễ 30/4, 1/5 hằng năm. Các chủ vườn tận dụng dịp này để mở dịch vụ du lịch. Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 6 là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón khách tham quan, chụp ảnh, mua quả dâu. Vườn dâu Rừng Nhớ của bà Bùi Thị Diễm Trang (ấp 15, xã Nguyễn Phích) dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua có khoảng 400 khách đến tham quan. Gia đình bà duy trì vườn dâu Cái Tàu 60 gốc từ năm 2004 đến nay và chưa bao giờ lo vắng khách. Gia đình bà đang bán vé 30 ngàn đồng (gần 1,3 USD) cho mỗi người vào tham quan, dâu bán cũng có giá 30 ngàn đồng/kg (gần 1,3 USD/kg dâu).
Người dân U Minh giữ vườn dâu Cái Tàu, giữ lại nét xưa để phát triển du lịch - ảnh 1 Bà Bùi Thị Diễm Trang tự hào vì đang sở hữu vườn dâu Cái Tàu hiếm có ở U Minh. Ảnh: VOV

Nhờ đó, gia đình bà có nguồn thu ổn định. Bà Bùi Thị Diễm Trang kể: "Dâu chín vàng nhìn rất đẹp. Khách du lịch tham quan, họ đi kiếm chủ vườn. Họ nhờ tôi ra vườn dâu để giải thích cho họ, tại sao đi từ ngoài Cà Mau vô thấy nước mặn, nuôi tôm nhiều vậy mà ở đây vẫn giữ được vườn xanh tươi, trù phú. Họ cảm thấy lạ. Tôi duy trì vườn dâu để làm kinh tế và góp phần phát triển quê hương mình đi lên.

Ở điểm du lịch sinh thái Ba Liêm (ấp 10, xã Nguyễn Phích) có vườn dâu khoảng 200 gốc. Vườn dâu mới được ông Ba Liêm khôi phục lại mấy năm nay. Trong vườn của gia đình ông Ba Liêm có đa dạng các loại cây, nhưng cây dâu Cái Tàu nói riêng luôn có một sức hút đặc biệt với du khách.

Ông Ba Liêm chia sẻ: "Vườn ở đây người ta đến thì đúng là tìm kiếm kỷ niệm xưa. Xưa kia, hình ảnh cây dâu thân thuộc gắn liền với tên Cái Tàu. Người lớn tuổi vào vườn dâu cảm giác là ký ức sẽ trở lại. Gia đình, ông bà, cha mẹ ở đây, nhắc lại chuyện cũ gắn liền với cây dâu. Thời kỳ chiến tranh, những người từng tham gia kháng chiến khi nhắc đến vườn dâu này thì lại nhắc đến vùng đất bên sông khi xưa toàn là các vườn dâu và các cơ quan, cơ sở của cách mạng ở đó. Người dân trồng dâu ở đây che chở, giúp đỡ cho những người hoạt động, có rất nhiều kỷ niệm để nhắc lại."

Người dân U Minh giữ vườn dâu Cái Tàu, giữ lại nét xưa để phát triển du lịch - ảnh 2Các bạn trẻ đến vườn dâu để trải nghiệm. Ảnh: VOV

Còn với những bạn trẻ, kể cả những người ở Cà Mau, vườn dâu vẫn xa lạ và sẽ luôn là một điều rất đáng trải nghiệm. Em Nguyễn Gia Huy, người dân từ thành phố Cà Mau vào tham quan vườn dâu Ba Liêm, cảm nhận: "Thấy không gian trong vườn mát mẻ, cây xanh nhiều. Vào tới đây, người ta thấy dâu mọc sum suê, bắt mắt nên thích thú, không khí thì trong lành, mát mẻ hơn ở thành phố rất nhiều. Trái dâu thì em thấy rồi, nhưng chưa vào vườn dâu. Em thấy đăng trên facebook đang có mùa dâu nên xuống đây tham quan, coi thử. Dâu đi mua ở chợ về ăn chứ chưa thấy cây dâu, vào mới biết, nhìn thấy nhiều trái dâu đẹp mắt, ăn quả dâu  cũng khá ngọt."

Xã Nguyễn Phích hiện còn 4 vườn dâu được duy trì với diện tích khá lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Nhận thấy lợi thế, giá trị truyền thống của cây dâu bản địa, chính quyền địa phương khuyến khích người dân duy trì, phục hồi vườn dâu để làm du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Gil, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Phích, cho biết: "Vườn dâu đã qua nhiều đời người, việc trồng và chăm sóc thì bà con có kinh nghiệm. Điều kiện thổ nhưỡng ở đây cũng rất phù hợp, cho trái tốt. Người dân địa phương tích cực phát triển cây dâu để xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch cộng đồng. Từ nhu cầu của bà con, xã cũng thực hiện một số chính sách liên kết, tổ chức, mở các lớp tập huấn cho bà con. Chúng tôi xác định vườn dâu Cái Tàu là một sản phẩm du lịch trọng tâm để khai thác du lịch."

Đến với vườn dâu Cái Tàu, du khách được đi trên những chiếc xuồng ba lá, luồn lách qua những con rạch nhỏ, thưởng ngoạn cảnh sắc rừng U Minh Hạ. Du khách có thể nằm võng nghỉ ngơi dưới tán dâu xanh mướt, nhấm nháp những trái dâu chín mọng, thơm phức, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức những món ăn đồng quê, như: cá lóc nướng trui, cá trê chiên, cá rô kho tộ… Vườn dâu Cái Tàu là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa mỗi khi đến với rừng U Minh Hạ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác