(VOV5) - Ngay trong năm đầu thực hiện, huyện Lắk đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi cây trồng, phủ xanh đất hoang hóa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025, sau gần một năm thực hiện đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, mở ra hướng giảm nghèo bền vững cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn này.
Nét nổi bật của Nghị quyết 05 của Đảng bộ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, buôn cùng vào cuộc. Cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia trước, với tinh thần trách nhiệm “gần dân, vì dân, chăm lo cho dân”. Không sử dụng nguồn ngân sách, toàn huyện huy động sự đóng góp của cán bộ, đảng viên; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số góp kinh phí mua hàng trăm nghìn cây giống tặng cho các hộ nghèo; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngay trong năm đầu thực hiện, huyện Lắk đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi cây trồng, phủ xanh đất hoang hóa.
Trang trại trồng giống mít Thái viên linh của gia đình anh Nguyễn Đình Thìn ở Đắk Lắk. Ảnh: danviet.vn |
Tại buôn Dơ Tu, xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, những vườn trống đất cằn, những đồi núi bỏ hoang nay đã được phủ xanh vì mọi nhà đã được tặng cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc phù hợp. Anh Y Jony Byă, ở buôn Dơ Tu, xã Buôn Triết, huyện Lắk, phấn khởi vì đã kịp trồng xen hàng chục cây mít thái trước mùa mưa nay đã xanh tốt trên 4 sào vườn: "Gia đình tôi rất cảm ơn huyện, xã đã cho giống cây ăn qủa để chuyển đổi cây trồng trên mảnh rẫy của mình theo mô hình xen canh. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc để phát triển thêm kinh tế về cây ăn quả, dần dần từ đó thoát nghèo."
Tại xã Yang Tao, huyện Lắk, vườn cây mít thái trồng xen của ông Y Gham Triết, ở buôn Phốk cũng đã bén rễ phát triển tốt sau thời gian xuống giống. Y Gam cho biết, không chỉ được tặng hàng chục cây giống, cán bộ huyện, xã còn đến tận vườn hướng dẫn cách trồng và chăm sóc nên cây phát triển tốt. Hiểu được ý nghĩa việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, ông Y Gham Triết dự tính mùa mưa này sẽ trồng cây phủ kín khu vườn bỏ hoang nhiều năm. Ông Gham chia sẻ: "Gia đình tôi cũng được xã cho cây trồng. Tôi rất cảm ơn Nhà nước đã giúp đỡ. Nhờ có các giống cây gia đình toi đã trồng thêm trong vườn nhà mình. Cây trái cũng đã cho thu hoạch để gia đình tôi phát triển kinh tế, tăng thu nhập."
Ông Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Đảng uỷ xã Yang Tao, huyện Lắk, cho biết hiện toàn xã đã cấp hơn 7.000 cây ăn quả gồm mít thái, dừa xiêm, mẵng cầu cho 1.473 hộ nghèo. Cùng với đó, địa phương đã xây dựng 22 mô hình trồng mít Thái tại 11 buôn của xã để bà con học tập; tiếp tục vận động các đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm mua thêm cây giống để hỗ trợ bà con: "Chúng tôi đã khảo sát toàn bộ diện tích đất trên địa bàn trước đây người dân ít cải tạo. Chúng tôi yêu cầu bà con nhân dân trước hết cải tạo quy hoạch lại vườn của mình, để chuẩn bị nhằm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo Nghị quyết 05. Sau khi tổ chức tuyên truyền, chúng tôi đã vận động xã hội hoá tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như cá nhân cán bộ, đảng viên trên địa bàn đóng góp. Đối với xã chúng tôi đã vận động, đóng góp trên 10 triệu đồng để mua giống mít thái. Cây mít là cây đa mục tiêu và cũng nhằm xoá đói giảm nghèo cho bà con trong giai đoạn tới."
Lắk là huyện có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ hai của tỉnh Đắk Lắk với hơn 27%. Trong đó, tại 90 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn 60%. Nhiều năm qua, phần lớn hộ dân tộc thiểu số còn để “vườn không, nhà trống”, đất đai hoang hóa, dẫn đến công tác xóa nghèo còn nhiều nan giải.
Vườn xoài gia đình ông Nguyễn Mỹ Bình ở Đắk Lắk. Ảnh: easup.daklak.gov.vn |
Ông Võ Ngọc Tuyên, Bí thư Huyện uỷ Lắk cho biết: Sau gần một năm triển khai cán bộ, đảng viên các cấp đã vận động, trao tặng được hơn 100 nghìn cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là mít thái, sầu riêng, cam, bưởi, xoài, ổi, dừa trị giá hơn 2 tỷ đồng. Gần 10.000 hộ nghèo đã được nhận cây giống hỗ trợ và bà con đã chuyển đổi cây trồng, phủ xanh được hơn 200 ha đất trống, đất hoang hóa: "Nghị quyết ban hành rất thiết thực hiệu quả và có sức lan toả rất là lớn. Đến giờ phút này huyện Lắk chưa dùng ngân sách, đến nay chúng tôi đã huy động các đơn vị kết nghĩa tặng cây cho các buôn được kết nghĩa. Trong thời gian rất ngắn từ 5/3 đến nay đã trồng được hơn 100 ngàn cây giống các loại. Thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Nghị quyết chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, được triển khai đã và đang nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến trong nếp nghĩ cách làm của bà con ở các thôn, buôn, đồng thời thúc đẩy sản xuất, mở ra hướng giảm nghèo bền vững ở địa phương này.