(VOV5) - Hình ảnh những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... ở huyện biên giới Mường Khương livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thời gian qua, đại dịch COVID - 19 ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những cơ hội mới được mở ra cho người nông dân, nhất là nông dân vùng cao, giúp họ năng động hơn, chủ động hơn trong sản xuất. Tại Lào Cai, nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, dần trở thành những người “nông dân số”.
Nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, dần trở thành những người “nông dân số”. Ảnh: VOV |
Phải một tháng nữa, quýt chính vụ ở huyện Mường Khương mới vào vụ thu hoạch. Nhưng ngay thời điểm này, chị Vàng Thị Hoa ở xã Lùng Khấu Nhin đã rất chăm chỉ cập nhật vườn quả của gia đình mình lên các trang mạng xã hội. Trong hai năm qua với cách làm này giúp cho gia đình chị tiêu thụ quả quýt một cách thuận lợi hơn, kể cả thời điểm dịch Covid 19 căng thẳng nhất. Chi Vàng Thị Hoa chia sẻ: "Quýt ra hoa tôi đã làm video để giới thiệu về cách chăm sóc cây, thu hái thế nào để hiệu quả hơn."
Hình ảnh những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... ở huyện biên giới Mường Khương livestream bán hàng đã trở nên quen thuộc trên mạng xã hội. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất tốt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tiếp cận với công nghệ thông tin, bà con đã mạnh dạn hơn trong tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng, đáp ứng mong muốn, yêu cầu của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.Chị Ma Thị Chú, ở thị trấn Mường Khương huyện Mường Khương, cho biết:"Khi tôi livestream như này, người ta xem thấy hay thì chia sẻ khắp nơi, vào các hội nhóm giúp che phủ thị trường rất là lớn và nhanh."
Tiếp cận với công nghệ thông tin, bà con đã mạnh dạn hơn trong tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại. Ảnh: VOV |
Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ nông sản ở vùng cao Lào Cai, không chỉ dừng lại ở bán hàng qua mạng. Bà con đã dần tiếp cận với những khái niệm như mã QR, sàn giao dịch điện tử, nhật ký nông vụ, hay những phần mềm để điều khiển máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Anh Trần Mạnh Thắng ở xã Bản Sen, huyện Mường Khương đang thử nghiệm dùng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ cây chè. Anh Thắng cho biết: "Ví dụ phần mềm trên máy phun thuốc trừ sâu thì chúng tôi cũng yêu cầu nhà sản xuất có bộ phận lưu trữ lại bao nhiêu ngày phun một lần; ví dụ 15- 20 ngày mở ra là chúng tôi biết đến kỳ hạn phun thuốc."
Về vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cho biết: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu để xây dựng các trang nông sản Mường Khương, để giới thiệu quảng bá nông sản. Đồng thời mở các lớp tập huấn để người dân biết cách ứng dụng 4.0 vào thực tế bán hàng, sản xuất."
Những sản phẩm nông nghiệp ở huyện Mường Khương được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, nhiều vườn cây trồng sử dụng tưới nước tự động, được cấp mã số vùng trồng đó là những kết quả ban đầu trong chuyển đổi số ở huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Những người “nông dân số” ở vùng cao năng động, tự tin, sẵn sàng vững bước vượt qua thử thách tới thành công của thời kỳ chuyển đổi số.