(VOV5) - Việc người dân ở đất rừng U Minh đã và đang tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đã tạo ra ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam của Việt Nam, là 1 trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với bờ biển dài 54 km, hai hệ sinh thái rừng mặn ngọt và rừng đước ngập mặn đặc trưng được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Cà Mau hội tụ điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Thực tế nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã ra đời và phát triển mạnh.
Tỉnh Cà Mau có điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh: VOV |
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt hình thành từ năm 2015. Đây là một trong những khu du lịch ra đời sớm nhất ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Anh Phạm Duy Khanh, Chủ khu du lịch Mười Ngọt, cho biết từ diện tích vài ha đất ban đầu, gia đình anh mua và ký hợp đồng thuê thêm để có tổng diện tích đất gần 60ha, trồng thêm cây ăn trái và mở rộng “Nghề gác kèo ong”, di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Từ đó, gia đình anh đã chọn “đi bắt ong” là sản phẩm du lịch chính.
Đặc biệt, để đón lượng du khách đến nhiều, anh Phạm Duy Khanh đã tạo ra cung đường du lịch trong diện tích 60 ha đất. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm đi đặt hom bắt cá, nhất là có thể cùng đi bắt ong, ăn mật ong ngay trong rừng: “Điểm sinh thái cộng đồng Mười Ngọt được khách biết đến từ nghề ăn ong. Khách vô đây thì muốn một lần trải nghiệm đi lấy ong. Nghề gác kèo ong kết hợp với du lịch giúp khách có trải nghiệm rất vui vẻ. Tới đây, cùng với chính quyền địa phương chúng tôi sẽ chọn ra một ngày để làm Ngày hội ong để mọi người biết đến nghề truyền thống ở đây nhiều hơn.”
Du khách được trải nghiệm đi đặt hom bắt cá. Ảnh: VOV |
Việc người dân ở đất rừng U Minh đã và đang tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đã tạo ra ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, du khách ở TP HCM, chia sẻ: “Đến đây, tôi thấy rất gần gũi với thiên nhiên, lần đầu tiên thấy những con lợm đặt, rồi có cá tự chui vô. Chúng tôi được tự vớt lên rất là thích thú. Tổ ong cũng từ tự nhiên, chúng làm thành tổ trong môi trường tự nhiên. Lần đầu tiên được thấy những cảnh đó, ở thành phố chúng tôi thì không bao giờ thấy được.”
Nếu người dân đất rừng U Minh tận dụng lợi thế của thiên thiên để làm du lịch sinh thái cộng đồng thì người dân huyện Ngọc Hiển lại khai thác hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh để có “cú hích” phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
"Cua Cà Mau" nổi tiếng gần xa. Ảnh: VOV |
Dưới tán rừng đước, rừng mắm của huyện Ngọc Hiển là những sản vật tạo nên thương hiệu “Tôm khô Rạch Gốc”, “Cua Cà Mau” nổi tiếng gần xa, đặc biệt là nghề di sản cấp Quốc gia “Muối ba khía”. Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Khu du lịch Hoàng Hôn, (huyện Ngọc Hiển) cho biết: “Khung cảnh hoang sơ, dân dã rất đẹp là ưu thế của mình. Hiện ở Cà Mau, nhiều người có ý tưởng muốn phát triển du lịch. Mình có lợi thế nữa là mình có cột mốc Mũi Cà Mau nằm ngay tại xã Đất Mũi. Mà xã Đất Mũi gần như bao quanh là biển, phát triển du lịch hết sức tuyệt vời.”
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Du lịch Cà Mau cho biết, cùng với người dân, thời gian qua, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư, nâng tầm các sản vật, sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Đến nay, những thành quả đã thấy rõ, khi hai nghề truyền thống: “Gác kèo ong” và “Muối ba khía” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Những sản vật như Mật ong U Minh hạ, Cua Năm Căn, Tôm khô Rạch Gốc; Cá khô khoai Cái Đôi Vàm; Cá khô bổi U Minh... đã được nhiều du khách biết đến. Trong năm nay, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng “Làng Văn hóa Du lịch” ở xã Đất Mũi để giúp du khách biết về các nghề truyền thống, các đặc sản tiêu biểu của địa phương.
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch Cà Mau, chia sẻ: “Du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch chính của tỉnh, nó là điểm đến quan trọng. Đặc biệt, thực hiện chương trình phát triển du lịch năm 2021, thì Cà Mau sẽ định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP của tỉnh để tạo ra thêm nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng.”
Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 14 khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Việc người dân địa phương làm du lịch sinh thái cộng đồng giúp tạo ra sự đa dạng, sức hút riêng cho ngành du lịch của tỉnh, góp phần đưa “du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” của địa phương.