(VOV5) - Những năm qua, trái xoài của tỉnh Đồng Tháp đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Singapore…
Thương hiệu xoài Đồng Tháp đã từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường. Phía sau thành công đó, biết bao trăn trở, công sức và tâm huyết của những người nông dân trong thời gian dài bền bỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn xuất khẩu để sản phẩm đến được các thị trường.
Xã Tịnh Thới nằm cạnh dòng sông Tiền nên có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển vườn cây ăn trái, nhất là xoài. Diện tích trồng xoài của xã giờ đây đạt hơn 800ha, với sản lượng hằng năm hơn 10.000 tấn và chủ yếu là xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc. Trước đây, trái xoài chủ yếu được thương lái thu mua và bán ở thị trường trong nước. Nhưng những năm gần đây, khi HTX thực hiện quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, trái xoài đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng bởi trái ngon, ngọt, màu sắc bắt mắt.
Thương hiệu xoài Đồng Tháp đã từng bước khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường. Ảnh: VOV |
Ông Lê Thành Vân, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Việc xuất khẩu trái xoài đi các nước đã thay đổi các nghĩ, cách làm, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch trái của người nông dân nơi đây. Từ cách trồng, chăm sóc truyền thống, không theo mùa vụ… nông dân Tình Thới đã chuyến sang sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGap). Giờ đây, từng thành viên trong HTX đã thực hiện theo đúng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Từ đó khẳng định hơn nữa trái xoài Cao Lãnh trong lòng người tiêu dùng trong nước và các thị trường nhập khẩu.
Ông Lê Thành Vân chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất vui khi năm 2022 xuất một chuyến xoài đi Châu Âu được các thị trường chú ý về ngành xoài của Cao Lãnh. Bà con nông dân hết sức phấn khởi cố gắng phải làm sao đúng theo yêu cầu, quy trình chất lượng để đi xuất khẩu các thị trường khó tính và trong nước. Còn riêng về trong nước, thị trường rất cạnh tranh, vì thế chúng tôi cũng phải làm thật tốt. Chúng tôi nghĩ rằng mình phải sản xuất sạch thì người tiêu dùng mới mua hàng."
Hiện nay, diện tích trồng xoài của Đồng Tháp gần 14.400ha, với sản lượng hằng năm gần 137.000 tấn, lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Chính vì vậy, không chỉ đổi mới kỹ thuật canh tác và sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc, người trồng xoài ở Đồng Tháp còn nỗ lực để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; đồng thời tìm kiếm thêm thị trường cũng như tăng số lượng xuất khẩu.
Công nhân đang đóng xoài tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VOV |
Ông Trần Văn Trạng, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, cho biết: "Hàng hoá của nông dân xã Tịnh Thới sản xuất ra đạt những chuẩn để xuất khẩu ra các nước trên thế giới, kể cả những thị trường khắt khe, kể cả những thị trường dễ tính một chút. Xuất khẩu càng nhiều thì lợi nhuận của bà con nông dân sẽ khá hơn, đó là mong muốn của chúng tôi, cố gắng để đưa sản lượng trái xoài lên. Ngoài ra, vấn đề thị trường nội địa thì hợp tác xã phải suy tính làm sao để các thành viên đầu tư sản xuất, sản xuất sạch… để người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm, có như vậy mới cạnh tranh được các sản phẩm khác để phát triển."
Làm thế nào để phát triển ngành hàng xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn kỹ thuật bền vững, nhằm phát huy tối đa giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng xoài, là điều mà những người trồng xoài ở Đồng Tháp đang tập trung triển khai.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, cho rằng: Việc trái xoài xuất ngoại đi các thị trường khó tính là tín hiệu rất vui với người dân, góp phần tạo động lực để nhà vườn chú ý những tiêu chuẩn trong canh tác, xuất khẩu, như: xây dựng mã số vùng trồng, duy trì áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, thảo mộc nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Từ đó, không chỉ đưa trái xoài tươi đi xuất ngoại mà tạo thêm những sản phẩm từ trái xoài để người tiêu dùng trong nước và các nước thấy được giá trị và thương hiệu của trái xoài Đồng Tháp trên thị trường.
Ông Võ Tấn Bảo mong muốn: "HTX năm 2023 muốn đầu tư mua một máy rửa xoài sau thu hoạch, với cái máy ép xoài và sấy xoài. Bây giờ HTX làm theo chuỗi, trái xoài loại một đưa đi các siêu thị; loại hai, cắt mình sấy xoài, còn loại ba mình làm nước ép xoài… làm như vậy nâng cao giá trị trái xoài. Hiện, mặt hàng xoài sấy, nước ép, HTX đã liên kết với doanh nghiệp đưa đến các siêu thị, và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, với số lượng ổn định."
Năm nay, các doanh nghiệp, HTX, người trồng xoài của Đồng Tháp đã cùng lên kế hoạch để hướng cùng hướng tới một vụ mùa bội thu, chất lượng đảm bảo; sản lượng xuất khẩu vượt trội… Với những khát vọng vươn xa, tư duy mở trong định hướng phát triển ngành hàng xoài Đồng Tháp sẽ góp phần khẳng định hơn nữa thương hiệu, vị thế trái xoài, ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.