(VOV5)- Phát huy những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, đang thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bằng việc áp dụng những mô hình sản xuất theo định hướng phát triển nông nghiệp trong đô thị của thành phố từ nay đến năm 2020. Trong số các mô hình đang thực hiện hiệu quả, nổi bật nhất là mô hình chăn nuôi bò sữa.
Với đồng cỏ rộng lớn phục vụ hơn 60.000 con bò, huyện Củ Chi đã trở thành trung tâm của ngành nuôi bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh. Nghề nuôi bò sữa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở 20 xã, thị trấn của huyện. Tại đây, ngày càng nhiều trang trại bò sữa được hình thành, với quy mô từ 30 đến hơn 200 con. Tân Thạnh Đông hiện là xã có đàn bò sữa lớn nhất thành phố với 20 ngàn con. Nghề nuôi bò sữa không chỉ mang lại cuộc sống khấm khá cho 1.600 hộ trực tiếp chăn nuôi mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ trồng cỏ để cung cấp cho các hộ nuôi bò ở địa phương này. Hàng trăm hộ dân trong xã đã có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm.
Ngoài Tân Thạnh Đông, bò sữa còn được nuôi nhiều tại các xã An Phú, An Nhơn Tây, Phạm Văn Cội, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An. Đây là nơi cung cấp sữa bò chủ yếu cho các công ty sữa lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là Vinamilk, Dutch lady, Friesland Campina.
Với giá 13.500 đồng một kg sữa bò tươi như hiện nay, nếu nuôi 10 con bò sữa, người nông dân sẽ có lãi khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Tuy cho thu nhập cao nhưng để áp dụng mô hình chăn nuôi này, người nông dân cần có nhiều vốn để mua bò giống, đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng cỏ, thức ăn cho bò. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải, máy vắt sữa và kỹ thuật chăn nuôi cao. Chính vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi bò sữa, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách cho vay ưu đãi đối với người chăn nuôi. Anh Nguyễn Hùng Dũng, ấp 3A, xã Tân Thạnh Đông, cho biết:Được sự quan tâm của thành phố, gia đình tôi vay 500 triệu đồng từ Quyết định 13 của Ủy ban nhân dân thành phố về ưu đãi đối với người chăn nuôi bò sữa. Tôi dùng số tiền này để mua bò sữa và mở rộng sản xuất, hiện đã mang lại hiệu quả. Bà con muốn mở rộng chăn nuôi mà có Quyết định 13 về cho vay vốn ưu đãi này thì rất là tốt.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, Thành phố Hồ Chí Mình cũng thường xuyên mở các lớp đào tạo, giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi… để đàn bò được khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Ông Trương Văn Nồi, người nuôi bò sữa ở ấp 3, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, cho biết: Chăn nuôi bò sữa này thì khó khăn cũng nhiều lắm, nhưng rồi mình cố gắng rồi khó khăn cũng sẽ qua thôi. Khó khăn nhất là bệnh của con bò, rồi có thời gian sữa phải bỏ. Bà con thì áp dụng theo cách của nông dân thôi, nên cần nhờ bên Sở Nông nghiệp thành phố hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật, thức ăn, thú y và những biện pháp chăn nuôi. Được sự hỗ trợ đó thì bà con mới an tâm phát triển đàn bò sữa.
Một héc ta đất trồng lúa chỉ cho thu nhập chưa đến 30 triệu đồng 1 năm nhưng khi chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sữa, thu nhập của người nông dân sẽ tăng gấp 5 lần, đạt khoảng 150 triệu trên một héc ta. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, cho biết: Huyện Củ Chi đã quy hoạch đàn bò sữa và diện tích đất trồng cỏ để phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, trong đó chú trọng đến nâng cao năng xuất và chất lượng sản phẩm: Trước đây huyện Củ Chi có 17 đến 18 ngàn héc ta đất trồng lúa năng suất thấp, chúng tôi đã định hướng chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò sữa cho năng suất cao. Trước đây, năng suất sữa theo chu kỳ của một con bò chỉ đạt 3 tấn đến 3,5 tấn sưa/ 1 con, bây giờ thì một con bò sữa của Củ Chi đã cho 6 tấn sữa 1 con, một chu kỳ. Mặc dù đàn bò phát triển như vậy, nhưng chúng tôi định hướng không phát triển thêm số lượng nữa mà tập trung phát triển về năng suất và chất lượng bằng cách nhân giống bò cao sản và ứng dụng các giải pháp dinh dưỡng vào nuôi trồng.
|
Tỷ phú Trương Văn Nồi bên đàn bò sữa hơn 100 con. |
Nuôi bò sữa chỉ là một trong nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả mà huyện Củ Chi áp dụng ở các xã như: mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng hoa, cây cảnh hay mô hình nuôi cá giống. Những mô hình này đang giúp người nông dân nơi đây giảm nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình./.