(VOV5) - Nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800m, khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình từ 15 đến 18 độ C, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây dược liệu bản địa.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở vùng cao này đã phát triển một số các loại cây thuốc quý như đương quy, bạch chuột, mộc hương, tam thất, đỗ trọng…cung cấp nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thuốc trong nước. Trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại, mở ra hướng giúp người dân ở Sa Pa phát triển kinh tế và làm giàu.
|
Nhiều hộ dân ở Sa Pa đã thoát nghèo, làm giàu nhờ cây Actiso |
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, diện tích cây dược liệu ở Sa Pa ngày càng tăng, các loại cây trồng mới cũng được đưa về đây thử nghiệm. Trong số những cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, atiso đã khẳng định được vị thế. Gia đình ông Má A Sinh là một trong những hộ trồng nhiều actiso nhất ở xã Sa Pả. Loại cây này không chỉ cho gia đình thu hoạch lá, mà thân, củ và hoa cũng đem lại nguồn thu đáng kể. Được hướng dẫn kỹ thuật và có Công ty nhận bao tiêu sản phẩm, ông Sinh rất yên tâm chăm sóc 3 héc ta dược liệu. Ông Sinh phấn khởi cho biết: "Tôi trồng 3 héc ta cây atiso, theo tính toán của gia đình, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng có thu nhập 300 triệu đồng".
Atiso là loại cây đem lại nguồn thu nhập khá, giúp nhiều hộ dân ở Sa Pa vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhận thấy rõ tiềm năng kinh tế từ cây atiso, huyện đã đưa loại cây trồng này vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo. Hiện toàn huyện có hơn 70 héc ta cây atiso. Trung bình một năm bà con thu hoạch gần 4.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng. Cây atiso có thị trường bao tiêu ổn định, do Công ty cổ phần Traphaco cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Nhằm đáp ứng đủ việc tiêu thụ atisô và một số cây dược liệu khác trên địa bàn huyện, Công ty Traphaco Sa Pa đã được đầu tư, lắp đặt các công nghệ dây chuyền tiên tiến. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sa Pa cho biết: "Công ty trong nhiều năm gần đây cũng tích cực và chủ động trong việc liên kết 4 nhà, qua đó cùng đồng hành với bà con nông dân, phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng phát triển dược liệu, làm sao mỗi cây dược liệu có định hướng tại một địa điểm trồng một cách cụ thể, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng của cây dược liệu".
|
Actiso được xem là cây ‘vàng’ ở nơi đây. Ảnh: Thái Bình |
Phát huy lợi thế về khí hậu và đất đai, từ năm 2015, huyện Sa Pa đã triển khai dự án trồng 4, 5 héc ta cây đương quy, tam thất cho một số hộ dân tại xã Sa Pả và khu vực thị trấn Sa Pa. Để khuyến khích, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, huyện đã có nhiều chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu. Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: "Trong giai đoạn 2015 đến 2020 huyện chú trọng phát triển vùng cây dược liệu lên 200 héc ta và đối với các diện tích cây dược liệu khác thì tuyên truyền, vận động cho các hộ dân tiến hành trồng theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt để nhằm tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân".
Có mặt tại Sa Pa vài năm gần đây nhưng Atiso đang được nhiều hộ dân trồng thay thế cho cây lúa và các loại rau màu. Bởi vì, đây là loại thảo dược mang lại giá trị kinh tế cao, ít phải đầu tư chăm bón và có đầu ra ổn định, lại rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa. Nhiều hộ dân ở Sa Pa đã thoát nghèo, làm giàu nhờ cây atiso, cây thảo dược mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây Atiso không mất nhiều thời gian, công sức chăm bón... Khi cây đã trưởng thành và cho thu hoạch không phải chăm bón vất vả như lúa. Một ha trồng Atiso mang hiệu quả gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Người dân ở Sapa coi atiso là cây xóa nghèo.