(VOV5) - Những ngày này, tại những vựa dâu tây của tỉnh Sơn La, người dân đang tất bật chăm sóc những vườn dâu đang vào mùa đơm hoa, kết trái.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Tuy mới được trồng vài năm gần đây, nhưng loại cây này đã và đang khẳng định giá trị kinh tế, đem lại những mùa quả ngọt, giúp người dân Sơn La có thu nhập hàng trăm nghìn USD/năm.
Trên cánh đồng trồng dâu tây ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, gia đình anh Nguyễn Minh Hiếu đang sới đất, phủ bạt gốc, chuẩn bị cho những cho cây dâu tây xanh ra trái. Anh Hiếu cho biết: Năm 2020, gia đình anh đầu tư 2 tỷ đồng (gần 100.000 USD) để trồng dâu tây kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm.
Sơn La hiện có trên 400 héc ta trồng dâu tây, sản lượng ước đạt trên 3.500 tấn quả tươi. Ảnh: VOV |
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã giúp dâu tây phát triển tốt, quả chín căng mọng, vị ngọt thanh, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. Với mức giá giao động từ 150 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng (7-13 USD)/kg, trung bình mỗi vụ, vườn dâu tây của gia đình cho thu nhập gần 4 tỷ đồng (khoảng 175.000 USD). Bước vào vụ dâu tây năm nay, gia đình đầu tư thêm vốn để cải tạo, nâng cấp vườn dâu tây.
Anh Nguyễn Minh Hiếu cho biết: "Vườn dâu tây có điểm khác biệt với các vườn khác, là mình không trồng theo kiểu truyền thống, mà tiến tới trồng theo chuẩn Organic, có nghĩa là chuẩn hữu cơ của thế giới. Điều này chủ yếu để tăng năng suất cây trồng và tiến tới sản phẩm sạch để có những sản phẩm tốt nhất, khi du khách thưởng thức sẽ nhớ đến hương vị của du lịch Mộc Châu."
Chị Nguyễn Thị Lan, thành viên Hợp tác xã (HTX) dâu tây Xuân Quế, ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho hay: Cây dâu tây thích hợp trồng ở nơi có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Thời điểm cho thu hoạch quả bắt đầu từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Với mỗi 1 ha trồng dâu của HTX, nếu thời tiết thuận lợi thì 2 ngày cho thu quả một lần; trung bình mỗi lần thu đạt xấp xỉ 2 tạ; với mức giá từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng (7-9 USD)/kg thì thu nhập đạt khoảng 30 triệu đồng (1.300 USD)/ngày.
Chị Nguyễn Thị Lan cho biết: "HTX Dâu tây Xuân Quế chúng tôi năm nay có diện tích khoảng 30 ha. Quy trình trồng hữu cơ và dùng phân bón cũng hữu cơ. Chúng tôi có kế hoạch sản xuất gối vụ, tức là 15 ngày chúng tôi trồng 1 lứa để sản lượng ra đồng đều, tránh trường hợp mùa vụ bị chín rộ."
Dâu tây ở Sơn La được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.Ảnh: VOV |
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 400 ha trồng dâu tây, sản lượng ước đạt trên 3.500 tấn quả tươi, tập trung ở 3 huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu. Cây dâu tây thường được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng quanh những nếp nhà, thay thế cây ngô, cây sắn trước đây. Với định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Sơn La đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăm sóc theo quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP); thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ… để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn. Bên cạnh đó là tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, sơ chế, đóng gói, chế biến quả dâu tây.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, cho biết: "Để phát triển cây dâu tây mang lại giá trị cao, Sở Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX, doanh nghiệp để sản xuất dâu tây theo hướng hữu cơ, an toàn. Thứ hai, là kêu gọi doanh nghiệp ở các tỉnh, các trung tâm xúc tiến để liên kết trong việc đầu tư, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, cũng như có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con."
Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của Sơn La, người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây dâu tây gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây dâu tây đã, đang khẳng định giá trị kinh tế qua từng mùa quả ngọt, góp phần giúp người nông dân Sơn La hiện thực hoá khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.