Nông dân tỉnh An Giang chờ mùa nước nổi

(VOV5) - Đã sang tháng 11, nhưng mực nước ở sông, rạch tại các địa phương đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức rất thấp.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Bộ, mực nước đầu nguồn của tỉnh An Giang trên sông Tiền là 2,7m và sông Hậu 2,56m. Đây được xem là đỉnh lũ năm nay song mực nước này thấp hơn so với trung bình nhiều năm, thậm chí còn thấp hơn đỉnh lũ năm 2019. Nông dân tỉnh An Giang đang chờ mùa nước nổi để mưu sinh và sản xuất nông nghiệp.

Nông dân tỉnh An Giang chờ mùa nước nổi - ảnh 1Năm nay các cánh đồng nước ngập không sâu nên rất ít cá, tôm. - Ảnh: VOV 

Đã sang tháng 11, nhưng mực nước ở sông, rạch tại các địa phương đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn ở mức rất thấp, nhiều cánh đồng nước mới chỉ xăm xắp mặt ruộng. Ông Nguyễn Văn Sấm, năm nay đã 80 tuổi ở xã Vĩnh Hội, huyện An Phú, một huyên đầu nguồn của tỉnh An Giang, cho biết gia đình ông không có ruộng, quanh năm sống bằng nghề chài, lưới. Hàng năm, nguồn lợi thủy sản từ mùa nước nổi mang lại là nguồn thu nhập chính của gia đình ông cũng như người dân nơi đây.

Năm nay, nước thượng nguồn về thấp nên bà con gặp nhiều khó khăn khi mưu sinh: “Từ hồi tôi biết đến giờ, năm nay tôi đã 80 tuổi rồi, thấy năm nay giờ này mới có nước, mà nước rất nhỏ. Không có nước thấy trước mắt là người dân ở đây khổ rồi, không có đường nào mà sung sướng hết. Các năm về trước, thì mùa nước mình nuôi mùa khô; mỗi mùa nước kiếm được 50 đến 60 triệu đồng. Bây giờ không có mùa nước thì chịu thua”.

Ông Nguyễn Văn Gàng ở xã Phú Hội, huyện An Phú, chuyên sống bằng nghề thu mua sản vật của ngư dân trong vùng cho biết, những năm trước đây, vào thời điểm này, mỗi ngày ông thu mua hàng tấn cá, tôm. Tuy nhiên năm nay, con số này chỉ đạt khoảng 20% so với năm ngoái: “Ở đây đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, rồi buôn bán dịch vụ, ngoài cái đó ra bà con chỉ sống nhờ vào mùa nước nổi. Có những bà con sắm bộ dớn từ 20 đến 30 triệu, sắm rồi mà để khô trên bờ không có đi được. Cái khổ thứ nhất là nước không có nên cuộc sống người dân bấp bênh. Thứ hai, đang mùa dịch bệnh, nên không qua lại Campuchia, buôn bán không được, rồi đi làm cá mắm cũng không được, cho nên 2 cái này rất là khó cho bà con, mà không cái khó nào bằng cái khó này.”

Nông dân tỉnh An Giang chờ mùa nước nổi - ảnh 2 Những cánh đồng cỏ và gốc lúa từ vụ trước đã mọc trở lại. - Ảnh: VOV

Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết, khoảng 70% người dân chuyên khai thác thủy sản mùa nước nổi trong huyện đã chuyển đổi sang nghề khác hoặc đi làm ăn xa. Đối với việc sản xuất nông nghiệp, theo kế hoạch, năm nay địa phương sẽ xả lũ lấy nước vào động ruộng với diện tích khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, năm nay nước về trễ và thấp hơn mọi năm, nên kế hoạch xả lũ khó thực hiện, đồng ruộng không được thau chua, rửa phèn, cỏ mọc... sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất vụ sau: “Người dân tuân thủ không xuống giống những vùng không có đê bao chắc chắn, vì không biết được nước lên lúc nào. Nếu như nước không lên thì bà con sẽ rất vất vả, mùa vụ tới cỏ rác mọc lên nhiều, thứ hai là không có phù sa…Bà con tốn chi phí nhiều trong việc dọn dẹp đồng ruộng, phân bón tốn nhiều hơn để đảm dinh dưỡng cho cây trồng. Còn một vấn đề nữa là, nước không về thì khai thác thác nguồn lợi thủy sản không được”

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa trên lưu vực sông Mekong năm nay xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn  và trên toàn lưu lực thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25%. Dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa lũ đến nay ở mức thấp nhất trong lịch sử, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 31- 49%. Dự báo, mực nước đỉnh lũ năm nay cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 1,6m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7m.

Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Cần Thơ, chuyên gia độc lập nghiên cứu về môi trường sinh thái ở miền Tây, cho rằng nếu như từ nay đến hết mùa mưa, các nước trên thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu long không có mưa lớn kéo dài và đầu năm 202, nếu không có mưa trái mùa mà là một mùa khô bình thường thậm chí là mùa khô kéo dài, sẽ là một thách thức đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình này, cần phải thay đổi lại lịch thời vụ sản xuất và tích cực trữ nước càng nhiều càng tốt: “Hàng năm, cứ khoảng đầu tháng 7 là nước sẽ về Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, năm nay cho tới bây giờ nước nó vẫn còn rất là thấp. Có thể nói mùa nước nổi năm nay mực nước rất thấp, có thể không có mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, lượng mưa ở trên thượng nguồn ít. Có thể năm 2021, dầu năm bị hạn hán rất là nặng nề, đó là những vấn đề cần quan tâm, quan tâm ngay từ bây giờ để có những biện pháp phù hợp.”

Sau mùa khô hạn năm ngoái, người dân ở các tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mong đợi đón một mùa "lũ đẹp" để thau chua, rửa phèn, bồi đắp phù sa đồng ruộng và cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào… Tuy nhiên, đến thời điểm này mực nước trên sông, rạch tại khu vực đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp. Dự báo, nguy cơ hạn hán có thể đến sớm và khốc liệt hơn năm ngoái. Vì vậy, người dân An Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chủ động các giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác