(VOV5) - Chính quyền huyện Kon Plông cũng đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Huyện Kon Plông, địa phương có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, thích hợp với nhiều loại dược liệu giá trị cao như đẳng sâm, lan kim tuyến, đương quy, xạ đen… và được tỉnh Kon Tum xác định là một trong những vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu. Với tiềm năng lớn về phát triển cây dược liệu, ngay trong những ngày đầu Xuân năm mới, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và bà con nông dân ở đây xuống đồng thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2018.
Hợp khí hậu, cây đương quy tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông phát triển tốt. - Ảnh: Báo Kontum |
Trong những ngày đầu năm 2018, tại trung tâm huyện Kon Plông, Viện nghiên cứu bảo tồn và Phát triển dược liệu Sài Gòn được thành lập và đi vào hoạt động. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu, ngay trong những ngày đầu Xuân năm mới, đơn vị triển khai xây dựng một trung tâm giống để chọn lọc các loài dược liệu quý trong khu vực Tây Nguyên.
Ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu bảo tồn và Phát triển dược liệu Sài Gòn, cho biết một trong những mục tiêu của Viện là xây dựng được ngân hàng mô, ngân hàng giống để bảo tồn nguồn gen và cung cấp cho người dân phát triển vùng nguyên liệu: “Chúng tôi mong được đồng hành, gắn bó với đất Tây Nguyên. Chúng tôi chọn nơi này làm nơi xây dựng vườn bảo tồn và phát triển dược liệu để đem những gen quý hiếm từ các Vườn quốc gia chúng tôi chọn lọc và chúng tôi bảo tồn. Từ đây chúng tôi cung cấp cho các nông trường và bà con Tây Nguyên sẽ đem dược liệu đó về trồng. Chúng tôi đảm bảo mua hết số sản phẩm mà chúng tôi đã ký kết với bà con trồng dược liệu.”
Nhân giống, trồng thử nghiệm cây kim tuyến - Ảnh: Báo Kontum |
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong phát triển dược liệu, chính quyền huyện Kon Plông đã khảo sát, quy hoạch trên 600 ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững, đồng thời có giải pháp và chính sách cụ thể hỗ trợ người dân trồng dược liệu. Trạm khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp huyện Kon Plông đã chuyển cho người dân các xã: Đăk Long, Măng Cành, Pờ Ê, xã Hiếu, Măng Bút, hàng chục nghìn cây giống đẳng sâm, đương quy, xạ đen… để bà con dân tộc Sê đăng, H’rê trồng được cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình, cùng với cung cấp giống, Trạm khuyến nông cũng chuyển giao kỹ thuật trồng từng loại cây theo hướng cầm tay chỉ việc.
Chị Trần Thị Kiều Trinh, Cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông và Dịch vụ nông lâm nghiệp huyện Kon Plông, cho biết: “Cán bộ kỹ thuật khi mà hướng dẫn mô hình nào đó nói như mình dễ hiểu cho người dân đó là cầm tay chỉ việc. Ví dụ đương quy thì trồng lên luống như thế nào? diện tích cao bao nhiêu? Mình nói ví dụ diện tích 30x 40 người ta sẽ không ước chừng đâu. Em lấy một cái thước hoặc một cái cây. Em ước chừng họ như vậy mình đào lên mình trồng xuống. Khoảng cách cách ra ví dụ mình cách 20 nhưng em chỉ kêu mình cách khoảng gang tay là họ sẽ hiểu. Đó là cách mà chúng tôi truyền đạt cho người dân.”
Nhờ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, đến nay người dân huyện Kon Plông đã trồng được hàng chục héc ta cây dược liệu. Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết trong năm 2018 chính quyền địa phương tiếp tục có sự hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển cây dược liệu:
“Chính quyền vào cuộc quyết liệt cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, về thủ tục đầu tư, ưu đãi miễn thuế theo quy định. Rồi đầu tư cơ sở hạ tầng giúp cho các doanh nghiệp có một bước đi vững chắc và an tâm đến đầu tư vào huyện Kon Plông. Chính quyền huyện Kon Plông lập một phương án về tạo quỹ đất cho dân. Thứ hai là tạo một quỹ đất nhất định để bảo tồn về cây dược liệu. Cái chính là nhân rộng về cây dược liệu đến người dân sản xuất.”
Để đạt mục tiêu trở thành vùng trồng dược liệu trọng điểm của tỉnh Kon Tum, ngay trong những ngày đầu năm mới 2018, cùng với xuống giống mở rộng diện tích cây dược liệu, chính quyền huyện Kon Plông cũng đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và xây dựng cánh đồng dược liệu lớn. Cùng với đó, nhiều giải pháp về tổ chức sản xuất, đào tạo, thương mại, chế biến sản phẩm… cũng được chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ. Đây là sự khởi đầu ý nghĩa để cây dược liệu ở vùng đất Kon Plông, tỉnh Kon Tum, chuyển từ tiềm năng thành lợi thế phát triển.