(VOV5) - Sau 11 hơn năm xây dựng Nông thôn mới, đến nay tỉnh Trà Vinh đã có 78/85 xã được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế của Trà Vinh năm 2021 giảm thấp so với nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp vùng nông thôn Trà Vinh tiếp tục có bước chuyển. Đời sống của người dân, nhất là đồng bào Khmer tiếp tục khởi sắc.
Về thăm xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, nơi có trên 81% đồng bào Khmer, dù đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng bà con nơi đây vẫn quyết tâm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Theo đó toàn bộ khu vực đất giồng cát làm lúa kém hiệu quả được thay thế bằng mô hình bắp giống, đậu xanh, đậu phộng, ớt chỉ thiên… mỗi ha cho lợi nhuận từ 40 đến 50 triệu đồng/vụ, cao hơn gấp 2, gấp 3 so với canh tác lúa.
Khu vực đất giồng cát Ngọc Biên, Trà Cú (Trà Vinh) làm lúa kém hiệu quả được thay thế bằng mô hình bắp giống. Ảnh: VOV |
Ông Thạch Chên - nông dân ở ấp Tha La, xã Ngọc Biên cho biết: “Từ khi xã triển khai xây dựng Nông thôn mới, điều kiện sản xuất tốt, đường giao thông thông suốt. Nếu so với trước đây trồng trọt giá cả vừa thấp vừa không ổn định. Nay địa phương có hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nên rất ổn định, cuộc sống của người dân nông thôn chúng tôi được thoải mái hơn nhiều”.
Ông Huỳnh Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Biên chia sẻ, những năm qua, bà con Khmer ở xã Ngọc Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện xen canh, luân canh… tăng vụ. Trong khi đó, để giảm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, Ban chỉ đạo xã tiến hành phân loại và có những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Về tổng thể, bên cạnh sự đầu tư từ trên, xã luôn tìm giải pháp nâng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, nhờ đó đời sống của người dân được cải thiện, hộ nghèo giảm dần từng năm. Khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo của xã chiếm hơn 30%, đến nay giảm còn gần 2%.
Hiện Ngọc Biên đang thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao: “Chúng tôi tập trung nhiều giải pháp. Thứ nhất chúng tôi thực hiện kế hoạch cho từng ấp, từng hộ, từng người, nhu cầu của từng hộ. Thứ hai xây dựng phương án hỗ trợ vốn sản xuất cho đối tượng này, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ cho những hộ này để làm sao giảm nghèo một cách bền vững, để thực hiện hoàn thành chương trình mục quốc gia xây dựng Nông thôn mới”.
Còn tại xã Nông thôn mới nâng cao Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, vùng đất một thời nghèo khó nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Tất cả các tuyến đường từ UBND xã đến các ấp đều được bê tông hóa, dọc hai bên đường là những ngôi nhà tường khang trang bao phủ bởi vườn cây ăn trái trĩu quả, sạch sẽ.
Tại ấp Trung Tiến, vùng căn cứ cách mạng trước đây, dù đang trong thời điểm bệnh COVID-19, ai nấy đều đề cao biện pháp phòng, chống dịch nhưng nông sản vẫn được lưu thông, nông dân vẫn ra đồng chăm sóc lúa, màu. Trong khi các công trình thủy lợi, giao thông tiếp tục nâng cấp mở rộng…
Người dân ở xã Ngọc Biên, Trà Cú với đàn bò do Quỹ giảm nghèo tỉnh Trà Vinh hỗ trợ. Ảnh: VOV |
Bà Lâm Thị Tha, một người cao niên ở đây cho biết, trước giải phóng người dân nơi đây muốn đi chợ huyện thì mất cả buổi, nhưng từ khi Nhà nước triển khai xây dựng nông thôn mới, nhà nào đều có điện, có nước máy sử dụng, con đường thông thoáng, sạch sẽ.
Nếu không có dịch bệnh vùng này đổi thay nhiều lắm: “Hồi xưa đi chợ chỉ đi bộ thôi, đồ gánh hoặc vác, còn đường thì như lối chuột bò. Đến sau giải phóng mới hình thành con đường được thông thoát một chút. Nhưng bây giờ làm lộ đan, lộ nhựa khắp nơi đi lại buôn bán dễ dàng. Bây giờ thay đổi nhiều lắm, muốn ăn gì có nấy, muốn đi đâu thì có xe, hàng hóa thì bán tận nhà”.
Năm 2020, xã Tân Hùng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện xã đang tiếp tục phấn đấu xây dựng đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn không còn hộ nghèo.
Sau 11 hơn năm xây dựng Nông thôn mới, đến nay tỉnh Trà Vinh đã có 78/85 xã được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của người dân tại các xã nông thôn mới đạt từ 60-67 triệu đồng; đời sống tiếp tục cải thiện, nhất là tại vùng có đông đồng bào Khmer. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,8%, trong đó hộ nghèo là đồng bào Khmer còn 1,71%, giảm 1,5% so với năm ngoái.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc Khmer đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Thành quả này càng thể hiện rõ trong từng hộ gia đình, từng phum sóc. Đây cũng là nền tảng quan trọng, tạo nên sức bật cho bà con Khmer gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.