(VOV5) - Khi có HTX sẽ giúp bà con tiêu thụ hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn cho nhân dân.
Tỉnh Hà Giang hiện có 372 hợp tác xã, với trên 8.900 thành viên, cùng 41 làng nghề truyền thống, với gần 3000 hộ tham gia, thu nhập bình quân một lao động từ làng nghề gần 4 triệu đồng/ tháng. Những mô hình kinh tế Hợp tác xã (HTX), làng nghề ở Hà Giang đang từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Huyện Quang Bình mới được thành lập hơn 10 năm nay và là nơi còn nhiều khó khăn ở tỉnh Hà Giang. Hiện, Quang Bình có 5 xã, 39 thôn, với nhiều làng nghề truyền thống, đang được các cấp chính quyền địa phương phát huy bảo tồn với những sản phẩm chất lượng được thị trường ưa thích, tin dùng.
Nghề nấu rượu ngô men lá ở thôn Chì, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. Ảnh: VOV |
Xã Xuân Giang được coi là tiềm năng trong phát triển kinh tế ở huyện Quang Bình với nhiều sản phẩm đặc trưng truyền thống như rượu ngô men lá, mắm cá, mắm thịt. Những năm gần đây, được sự định hướng, hỗ trợ của các cấp, các ngành, sản phẩm truyền thống của làng nghề đã được người tiêu dùng biết đến, qua đó giá trị sản phẩm cũng được nâng cao.
Chị Hoàng Thị Nga, ở thôn Chì, xã Xuân Giang, cho biết: Địa phương đã khôi phục nghề nấu rượu truyền thống, từ đó giúp thu nhập của người dân được tăng lên: “Ngày xưa nấu rượu chủ yếu để uống, bây giờ để bán mỗi tháng cũng được 15-20 can 20 lít. Thu nhập cũng được từ 2-5 triệu đồng/ tháng. Bây giờ ngoài việc làm nông nghiệp, chúng tôi có thêm nghề nấu rượu.”
Thôn Chì, xã Xuân Giang có gần 130 hộ dân chuyên nấu rượu ngô từ men lá truyền thống, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Ông Hoàng Văn Toàn, Bí thư kiêm Trưởng thôn Chì, xã Xuân Giang, cho biết: Sau khi hoàn thành nông thôn mới năm 2016, được định hướng, giúp đỡ của UBND huyện Quang Bình phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm rượu ngô của thôn được tiêu thụ ổn định: “Ban quản lý thôn cũng vận động nhân dân làm sản phẩm rượu ngô, hàng tháng cũng thu nhập tăng lên nâng cao đời sống. Ở đây bây giờ trung bình mỗi hộ cũng xuất bán được cả trăm can rượu/ tháng.”
Xã Quang Bình có 27 hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Từ sự hoạt động hiệu quả của các HTX đã thúc đẩy, hỗ trợ người dân làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng cao, đồng thời đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Thủy, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, cho biết: Hợp tác xã thành lập năm 2017 với 7 xã viên, được UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ vay vốn không lãi suất gần 1 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng: “Trước kia sản phẩm bà con phụ thuộc vào thương lái nhỏ, lúc cần thì không bán được. Nay thì bà con bán lúc nào cho HTX cũng được, giá cả bao giờ cũng ưu tiên nhất.”
Xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình, là địa phương nổi tiếng với sản phẩm lúa, gạo. Từ khi hoàn thành nông thôn mới cũng như xây dựng thành công mô hình HTX, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Ông Long Đức Trung, Bí thư Đảng ủy xã Vĩ Thượng, cho biết: Hiện địa phương có 5 HTX hoạt động khá hiệu quả: “Mô hình HTX rất hay. Khi có HTX sẽ giúp bà con tiêu thụ hàng hóa, nông sản thuận lợi hơn, thuận lợi tại chỗ cho nhân dân, HTX sẽ đi tìm các đối tác bên ngoài ở xa để giúp đỡ nông dân.
Với hoạt động hiệu quả của mô hình HTX, cũng như định hướng phát triển làng nghề truyền thống đã làm ra các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn Quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (VietGAP), Mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP)… đủ sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Quang Bình đạt gần 32 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quang Bình, cho rằng: “Trên cơ sở tiềm năng hiện có địa phương, chúng tôi hỗ trợ các làng nghề truyền thống trên địa bàn để tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp xây dựng các thương hiệu theo hướng OCOP. Trên quy mô nâng cấp các nhóm hộ thành lập các HTX giúp người dân nâng cao kiến thức sản xuất, làm cái gì thị trường cần để giá trị sản phẩm cao hơn, tăng thu nhập cho người dân.”
Phát triển các làng nghề truyền thống cùng với mô hình sản xuất HTX hiệu quả đã góp phần giúp huyện Quang Bình nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân.